Chính trị

Tổ chức chính quyền đô thị hoạt động hiệu quả

Đình Hiệp 03/08/2023 - 13:11

Đô thị hóa là nhu cầu, cũng là xu hướng mạnh mẽ của các quốc gia trên thế giới hiện nay. Do đó, tổ chức chính quyền đô thị hoạt động hiệu quả là vấn đề đang được quan tâm ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam và Thủ đô Hà Nội. Phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận một vài ý kiến về vấn đề này.

hoi-thao-luat.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” tại Hà Nội.

Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội:

Tinh gọn, giảm bớt các tầng nấc trung gian

Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là các thành phố đã triển khai thực hiện, thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Từ vị thế là Thủ đô của đất nước, trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đồng thời là trung tâm lớn về giao dịch kinh tế và quốc tế của cả nước, Hà Nội cần xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững, hội nhập quốc tế.

Kinh nghiệm của một số quốc gia về mô hình chính quyền đô thị cho thấy, bộ máy chính quyền thành phố Hà Nội cần được tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm bớt các tầng nấc trung gian, bảo đảm tính nhanh nhạy trong công tác quản lý đô thị. Đồng thời, cần mạnh dạn phân quyền, phân cấp hơn nữa cho chính quyền thành phố Hà Nội. Với tư cách vừa là một đô thị lớn, vừa là Thủ đô, Hà Nội cần được phân quyền, phân cấp mạnh mẽ hơn, để có phạm vi quyền tự chủ cao hơn. Ở các nước thường sử dụng thuật ngữ “tự quản” đối với chính quyền đô thị. Các đô thị được quyết định các vấn đề của địa phương và các vấn đề thuộc quyền của trung ương nhưng được trao cho địa phương giải quyết.

Cùng với đó, cần thúc đẩy chế độ thủ trưởng trong tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính ở Hà Nội. Đây cũng là chế độ được ưu tiên với chính quyền đô thị ở các nước. Chế độ thủ trưởng có ưu điểm là giúp việc ra các quyết định quản lý được nhanh chóng, kịp thời, đồng thời xác định trách nhiệm trực diện cho người đứng đầu.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích, giảng viên Đại học Mở Hà Nội:

Chú trọng tổ chức bộ máy, biên chế

Tổ chức bộ máy, biên chế và công tác cán bộ là một trong những vấn đề cơ bản của tổ chức chính quyền mỗi địa phương. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần đầu tiên có quy định về tổ chức chính quyền tại thành phố Hà Nội. Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo là trao quyền cho thành phố được quyết định một số vấn đề về tổ chức bộ máy, biên chế và công tác cán bộ. Các quy định này đã đáp ứng được yêu cầu cần luật hóa những chính sách để phù hợp với đặc thù của Thủ đô. Tuy nhiên, còn một số quy định trong dự thảo cần được xem xét hoàn thiện trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Từ ngày 1-7-2021, Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/NQ-QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Theo quy định này, tổ chức chính quyền thành phố có những thay đổi lớn so với quy định pháp luật hiện hành về tổ chức chính quyền và công tác cán bộ. Vì thế, những điểm hạn chế của dự thảo về nội dung này cần được xem xét, đánh giá thận trọng nhưng vẫn thể hiện sự mạnh dạn, đổi mới để Luật Thủ đô sửa đổi thực sự là cơ sở pháp lý quan trọng cho phát triển Thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần “mạnh dạn” xác định mô hình tổ chức chính quyền, trong đó không tổ chức HĐND tại quận và phường. Khi không tổ chức HĐND ở quận thì nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận sẽ do HĐND thành phố Hà Nội; UBND, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và UBND, chủ tịch UBND quận thực hiện.

Tiến sĩ Đoàn Thị Tố Uyên, giảng viên Đại học Mở Hà Nội:

"Thành phố trong thành phố” cần khuôn khổ pháp lý riêng

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Để khẳng định được vị thế, phát huy được tiềm năng, thế mạnh cũng như đáp ứng được yêu cầu cấp bách của thực tiễn, chính quyền tại Thủ đô phải được tổ chức thống nhất theo hướng gọn nhẹ, thông suốt, linh hoạt, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý. Đây cũng là nội dung được thể hiện trong chương riêng của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Về tổ chức chính quyền tại thành phố thuộc thành phố, dự thảo quy định thành phố thuộc thành phố Hà Nội là một cấp chính quyền gồm HĐND và UBND. Quy định trong dự thảo về tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố thuộc thành phố khá “an toàn”, không có nhiều điểm khác biệt so với chính quyền ở các đơn vị hành chính tương đương. Tôi cho rằng, thành phố thuộc thành phố mặc dù là đơn vị hành chính cấp huyện nhưng có nhiều điểm đặc thù so với đơn vị hành chính tương đương. Không nên áp dụng mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền ở các quận, huyện, thị xã vào thành phố thuộc thành phố. Vì vậy, Luật Thủ đô cần trao cho “thành phố trong thành phố” khuôn khổ pháp lý riêng để tạo đà phát triển.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hiện thiếu vắng các quy định về mối quan hệ giữa chính quyền các cấp ở thành phố Hà Nội với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn. Khi không tổ chức HĐND phường đồng nghĩa với giảm đi một tầng đại diện của người dân ở phường, ít nhiều ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền đại diện, thực hiện ý chí, quyền làm chủ của người dân. Do đó, cần tăng cường chức năng đại diện, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.