Vững bản lĩnh vượt qua thách thức
Dù phải đối mặt với nhiều thách thức do biến động bất lợi của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, song nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, từ đó bảo đảm ổn định hệ thống, giữ việc làm và thu nhập cho người lao động.
Trước những dự báo về tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, Đảng bộ Vinatex xác định phải không ngừng nỗ lực thực hiện các mục tiêu đã đề ra, giữ vững vai trò đơn vị nòng cốt trong ngành Dệt may Việt Nam.
Linh hoạt, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo
Giữa tháng 2-2023, khi kim ngạch xuất khẩu của ngành Dệt may sụt giảm. Trước tình hình này, Đảng ủy cùng ban lãnh đạo Vinatex đã tổ chức hội nghị chuyên đề cập nhật, thông tin thị trường. Tình hình kinh tế toàn cầu, thị trường dệt may thế giới, những tác động với doanh nghiệp dệt may trong nước… được phân tích, đánh giá kỹ lưỡng. Từ đó, hội nghị thống nhất khuyến nghị các doanh nghiệp bố trí sản xuất linh hoạt theo hướng nhận đơn hàng nhỏ, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật và chất lượng cao, bảo đảm đủ bù chi phí. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tăng năng suất, giảm các chi phí không cần thiết; xác định ưu tiên số một là bảo đảm việc làm cho người lao động.
Đây là một trong 15 hội nghị chuyên đề cập nhật tình hình, dự báo về thị trường dệt may thế giới và Việt Nam do Đảng ủy và ban lãnh đạo Tập đoàn Vinatex phối hợp triển khai từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng công ty Việt Thắng - CTCP Nguyễn Quang Minh cho biết: “Hội nghị đã gợi mở để chúng tôi có những giải pháp ứng phó linh hoạt với tình hình, giúp công ty ổn định sản xuất, kinh doanh và bảo đảm đời sống của người lao động”.
Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành 34 nghị quyết, 20 chương trình, 46 kế hoạch, 27 hướng dẫn, 30 quyết định và hơn 1.000 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị trong Đảng bộ Tập đoàn. Nổi bật là lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khi thực hiện giãn cách xã hội và hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt là các đối tượng bị mất việc làm, nghỉ việc do giãn cách xã hội, giảm giờ làm, làm luân phiên… Nội dung sinh hoạt các cấp ủy, chi bộ đều gắn với thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của tập đoàn, vì thế đã tạo được sự thống nhất từ nhận thức đến hành động.
Giữ vững vai trò nòng cốt của ngành Dệt may
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Lê Tiến Trường chỉ rõ, mục tiêu dài hạn của Vinatex là “trở thành một điểm đến có khả năng cung ứng trọn gói giải pháp xanh cho khách hàng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành Dệt may thế giới, với quy mô hàng đầu Việt Nam và khu vực”. Tập đoàn tiếp tục tái cơ cấu, bảo đảm phát triển ổn định, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ tăng trưởng bình quân về doanh thu và lợi nhuận hợp nhất đạt 8-12%; trong đó, doanh thu đạt 21.800 tỷ đồng, lợi nhuận gấp đôi đầu kỳ; duy trì sản xuất quy mô lớn dựa trên lợi thế của thiết bị công nghiệp và là mắt xích sản xuất trong chuỗi cung ứng với tốc độ tăng trưởng kinh doanh cao hơn mức tăng của nhu cầu dệt may thế giới từ 3% đến 5%/năm.
Giai đoạn 2023-2025, nhận định vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, Đảng ủy Vinatex tiếp tục đổi mới phương pháp, chất lượng sinh hoạt của các cấp ủy, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các chương trình hành động, nhằm đạt các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra. Đó là bám sát diễn biến thị trường, có biện pháp sản xuất, kinh doanh phù hợp, phối hợp xây dựng giải pháp để hoàn thành kế hoạch. Cùng với đó là củng cố hệ thống quản trị rủi ro và giám sát đặc biệt. Đặc biệt, Đảng ủy Vinatex tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách liên quan đến người lao động, bảo đảm việc làm, thu nhập; đẩy mạnh đổi mới công nghệ gắn với đầu tư chiều sâu.
Cũng liên quan đến người lao động, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Lê Tiến Trường cho hay, Đảng ủy sẽ ban hành các nghị quyết, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng, tiếp tục triển khai kế hoạch đào tạo phù hợp chiến lược phát triển của tập đoàn; tiếp tục tập trung vào 4 nhóm giải pháp lớn gồm: Kiến tạo niềm tin, tiến cùng thời đại, sinh lực đổi mới, trọng dụng nhân tài.
Bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đời sống, việc làm của người lao động trong giai đoạn đại dịch Covid-19 nhờ đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo chính là nền tảng quan trọng để Đảng bộ Tập đoàn Vinatex vững vàng bản lĩnh, tiếp tục vượt qua thử thách, hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.