Chuyển biến kỳ diệu của Mỹ Đức sau 15 năm “về" với Thủ đô
Sau 15 năm “về" với Thủ đô, tổng giá trị xây dựng cơ bản của huyện Mỹ Đức tăng 9,84 lần, thu nhập bình quân tăng 8,79 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm 16,4%... Từ chuyển biến này, huyện Mỹ Đức tiếp tục hướng tới những mục tiêu cao hơn.
Nhiều kết quả đột phá
Đến xã miền núi An Phú những ngày này, dễ dàng nhận thấy, vùng đất nơi đây đã thực sự “thay da đổi thịt”. Nhiều công trình văn hóa, điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, tựa như đô thị. Nhiều đoạn đê đã được nâng cấp, kiên cố, bảo vệ người dân trước lũ rừng ngang. Hình thành nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, như: Trồng sen kết hợp khai thác du lịch, nuôi trồng các loại thủy sản đặc sản... Tất thảy người dân phấn khởi trở thành công dân của Thủ đô.
Trò chuyện với phóng viên, ông Lê Văn Tiến, người dân thôn Thanh cho rằng, sự đổi thay của An Phú hôm nay đã khẳng định chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước.
“Chúng tôi rất mừng bởi ánh sáng văn hóa của Thủ đô đã tràn ngập tới quê hương mình. Từ khi “về" với Thủ đô, quê hương tôi có rất nhiều thay đổi từ cơ sở hạ tầng đến thu nhập, thụ hưởng chương trình xây dựng nông thôn mới...”, ông Lê Văn Tiến nói.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Mạnh Ngự, nếu không “về" với Thủ đô, An Phú khó có diện mạo như hôm nay. Thực tế trước năm 2008, An Phú là xã dân tộc, miền núi, đặc biệt khó khăn; cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội vừa yếu, vừa thiếu; thu nhập của người dân phụ thuộc sản xuất nông nghiệp manh mún, chỉ đạt 5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 42,3%... Sau khi sáp nhập, An Phú đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, thụ hưởng nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xã hội...
“Đời sống vật chất, tinh thần của người dân An Phú hôm nay đã có những tiến bộ vượt bậc. Nhân dân phấn khởi, tuyệt đối tin tưởng sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước”, ông Nguyễn Mạnh Ngự khẳng định.
Cụ thể hơn, năm 2021, xã An Phú đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; thu nhập của người dân đạt 57,5 triệu đồng/người/năm (tăng 52,5 triệu đồng so với năm 2008); tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 2,6% (giảm gần 40% so với năm 2008)...
Tương tự, nhiều xã từng là địa bàn khó khăn của huyện Mỹ Đức như: Hợp Thanh, Hợp Tiến, Bột Xuyên, Tuy Lai, Thượng Lâm... đến nay đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới với cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng đủ đầy hơn...
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang, sau khi “về" với Thủ đô, thành phố Hà Nội đã dành nguồn lực rất lớn đầu tư cho huyện. Nếu năm 2008, tổng giá trị xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện chỉ đạt 255 tỷ đồng, thì năm 2022 đạt 2.508,2 tỷ đồng, tăng gần 9,84 lần. Sử dụng hiệu quả nguồn lực này, huyện Mỹ Đức, trong 15 năm qua, đã đầu tư nâng cấp, xây mới 85,6km đường giao thông; kiên cố hóa 1.130km đường liên thôn, xóm, 320,5km trục chính nội đồng, 265,15km kênh mương... Bên cạnh đó, 58/80 trường học các cấp trên địa bàn huyện đã được nâng cấp, xây mới đạt chuẩn quốc gia (tăng 45 trường so với năm 2008)...
Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, thành phố Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách giải quyết việc làm, hỗ trợ người dân nông thôn phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội... Nhờ sự quan tâm, đầu tư toàn diện của thành phố, đến nay, 21/21 xã của huyện Mỹ Đức đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bao gồm: Hồng Sơn, Phùng Xá, Hương Sơn; thị trấn Đại Nghĩa đạt chuẩn đô thị văn minh. Mỹ Đức đã hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan thẩm quyền công nhận đạt huyện nông thôn mới. Điều đặc biệt hơn, thu nhập của người dân Mỹ Đức năm 2022 đạt 58 triệu đồng/người/năm, tăng 8,79 lần so với năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 0,33%, giảm 16,4%...
Tiếp tục phát triển nhanh, bền vững
Tiếp tục thực hiện hiệu quả nghị quyết của Quốc hội, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều cho biết, từ nay đến năm 2025, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ, thương mại; đồng thời, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung công nghệ cao, quy mô lớn.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội theo hướng hiện đại, đồng bộ; trong đó, ưu tiên đầu tư các trường học, công trình bảo vệ môi trường, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch sinh hoạt...
Cùng với nhiệm vụ trên, huyện Mỹ Đức tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân...
“Để hoàn thành tốt kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hằng năm, sớm trở thành một trong những trung tâm du lịch, thương mại, dịch vụ của Thủ đô, huyện Mỹ Đức đề nghị thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm đầu tư, có cơ chế đặc thù đối với các huyện có nguồn thu thấp về nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư nâng cấp kết nối hạ tầng giao thông của huyện với trung tâm thành phố và các tỉnh lân cận, như: Hòa Bình, Hà Nam.
Đối với các dự án du lịch, huyện Mỹ Đức mong muốn thành phố Hà Nội cho phép nhà đầu tư nghiên cứu dự án các khu du lịch: Hương Sơn, hồ Thượng Lâm, khu du lịch nghỉ dưỡng Tuy Lai, Trung tâm Festival hoa sen Hương Sơn và xã An Phú, khu du lịch sinh thái hồ Quan Sơn...”, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều kiến nghị.