Xã hội

Từng bước triệt xóa tệ nạn mại dâm

Minh Vũ 02/08/2023 - 07:37

Từng bước đấu tranh triệt xóa tệ nạn mại dâm, năm 2023, UBND thành phố Hà Nội giao các đơn vị chức năng cần tập trung đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống mại dâm, giảm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến mại dâm, qua đó góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra, các bên cần quan tâm tạo cơ hội cho những người từng tham gia hoạt động mại dâm thay đổi cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

tuyen-truyen-phong-chong-m.jpg
Tuyên truyền phòng, chống mại dâm tại Hội nghị truyền thông nâng cao nhận thức về vấn đề quyền, nghĩa vụ của người lao động và chủ sử dụng lao động tại quận Hà Đông, tháng 6-2023.

Nhận diện rõ nguy cơ để đấu tranh triệt xóa

Hà Nội là địa bàn có vị trí huyết mạch về giao thông đường bộ, đường không, đường thủy, lại tiếp giáp với nhiều địa phương khác. Ở vị trí này, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tích cực, Hà Nội còn là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn mại dâm.

Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, Hà Nội còn một số địa bàn công cộng tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về hoạt động mại dâm cùng hàng nghìn cơ sở kinh doanh, dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm đang hoạt động. Cần lưu ý, những năm gần đây, không ít đối tượng còn tổ chức hoạt động mại dâm thông qua mạng xã hội.

Trên các trang mạng như Facebook, Zalo, Telegram từng xuất hiện những “ổ” mại dâm núp dưới hình thức “tình yêu chu cấp” trong hội nhóm “Sugar daddy - Sugar baby” (ba nuôi - con gái nuôi), “PGA-SGBB” (gái gọi cao cấp - con gái nuôi)…

Nhận diện rõ những nguy cơ, lực lượng chức năng thành phố đã tăng cường đấu tranh triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về mại dâm; đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến mại dâm.

Về công tác đấu tranh triệt xóa các điểm, cơ sở có nguy cơ cao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, riêng 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 666 buổi tại 1.306 cơ sở kinh doanh, dịch vụ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, các bên đã xử phạt và kiến nghị xử phạt đối với 58 cơ sở vi phạm (xử phạt cảnh cáo với 51 cơ sở; đình chỉ kinh doanh với 2 cơ sở, xử phạt tiền với 5 cơ sở). Cũng nhờ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng ghi nhận, số lượng cơ sở kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ cao phát sinh tệ nạn mại dâm giảm đáng kể so với thời điểm cuối năm 2022.

Với địa bàn công cộng, qua khảo sát thực tế, lực lượng chức năng nhận thấy chỉ còn hiện tượng nhỏ lẻ đối tượng nghi hoạt động mại dâm đứng chờ đón khách. Đáng ghi nhận, 3 điểm phức tạp đã triệt xóa năm 2022 (phố Trần Khánh Dư - Nguyễn Huy Tự; phố Yersin - Vườn hoa Pasteur, quận Hai Bà Trưng; đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy) được chính quyền địa phương quản lý tốt, không để đối tượng tái hoạt động trở lại.

Thông qua nhiều giải pháp được triển khai, các cơ quan chức năng đã ngăn chặn, triệt xóa kịp thời một số “ổ” mại dâm trá hình trên mạng xã hội. Với đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, nửa đầu năm 2023, lực lượng công an từ thành phố tới cơ sở đã triệt phá 60 vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm, bắt giữ 239 đối tượng…

Tăng hiệu quả phòng ngừa

Song song với nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, điều tra, phá án, thành phố Hà Nội còn tăng hiệu quả phòng ngừa tệ nạn mại dâm thâm nhập đời sống cộng đồng bằng nhiều giải pháp.

Giải pháp được triển khai trên phạm vi rộng trong những tháng đầu năm nay là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao năng lực phòng, chống mại dâm cho hơn 1.200 người là cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cấp quận, huyện, thị xã và cấp xã, phường, thị trấn. Công tác truyền thông về tác hại của hoạt động mại dâm, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động cũng được triển khai đến 600 người là chủ cơ sở kinh doanh, dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội và người lao động đang làm việc tại các cơ sở này.

Tham gia buổi tập huấn vào tháng 6-2023, chị Nguyễn Hà Anh, chủ một cơ sở kinh doanh dịch vụ ở quận Hà Đông cho hay: “Chúng tôi hiểu được rằng, muốn hoạt động kinh doanh hoạt động ổn định, phát triển bền vững trước hết cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Đặc biệt, chúng tôi có trách nhiệm ký hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với nhân viên, không nên để họ làm những công việc được cho là nhạy cảm”.

Giải pháp khác mang lại hiệu quả khả quan đang triển khai tại một số địa phương là tăng cường năng lực cho các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới. Nghĩa là, những người từng tham gia hoạt động mại dâm, nay đã từ bỏ và hòa nhập xã hội bằng việc làm chính đáng tìm cách tiếp cận, trợ giúp cho những người đang hoạt động mại dâm quyết tâm bước khỏi con đường lầm lỡ. Thông qua các nhóm đồng đẳng, nửa đầu năm 2023, các bên đã chuyển gửi xét nghiệm HIV cho 223 người, dự phòng phơi nhiễm HIV cho 4 người, xét nghiệm viêm gan B, C, lao cho 15 người…

Giúp những người bán dâm từ bỏ con đường lầm lỡ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội còn phối hợp với một số các ngành, địa phương tạo cơ hội học nghề, việc làm cho những đối tượng này. Đây được xem là giải pháp bền vững, lâu dài để có thể góp phần ngăn chặn tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố. Trên thực tế, một số trường hợp đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi để làm lại cuộc đời. Có thể kể đến chị P.T.T ở huyện Ba Vì dùng số tiền vay ưu đãi 30 triệu đồng để chăn nuôi lợn, gà, buôn bán nhỏ. Nhờ đó, quá khứ lầm lỡ của chị P.T.T khép lại, cuộc sống bước sang trang mới tươi sáng.

Với nhiều giải pháp vừa quyết liệt, vừa mềm dẻo, linh hoạt được triển khai, hy vọng tệ nạn mại dâm từng bước được đẩy lùi, thiết thực, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.