EU và Philippines nối lại đàm phán về FTA: Thúc đẩy kỷ nguyên hợp tác mới
Sau 6 năm đình trệ, Liên minh châu Âu (EU) và Philippines đã quyết định khởi động lại các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do (FTA). Động thái này được đưa ra tại cuộc gặp giữa Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 31-7.
Đây là chỉ dấu cho thấy hai bên đang thúc đẩy một kỷ nguyên hợp tác mới, đồng thời cam kết đưa quan hệ thương mại song phương lên tầm cao mới.
Trên thực tế, đàm phán FTA giữa EU và Philippines được khởi động vào năm 2015 với Tổng thống Philippines khi đó là Benigno Aquino nhưng bị đình trệ hai năm sau dưới thời người kế nhiệm Rodrigo Duterte do mối quan hệ song phương trở nên căng thẳng.
Ông R.Duterte đã nhiều lần lên tiếng phản đối EU vì hành động can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Manila, đồng thời phản ứng bằng cách từ chối các gói viện trợ của EU, bỏ qua những lời mời tham dự các diễn đàn đa phương và đe dọa trục xuất các đại sứ EU tại Philippines.
Trong khi đó, EU cũng từng công khai chỉ trích về "cuộc chiến chống ma túy" của Philippines và hỗ trợ mạnh mẽ cho một cuộc điều tra liên quan đến vi phạm nhân quyền tại quốc gia này.
Sau 6 năm tạm dừng, tiến trình đàm phán FTA được nối lại với chuyến thăm của bà Ursula von der Leyen trong hai ngày 30 và 31-7. Đây là lần đầu tiên một Chủ tịch EC đến thăm Philippines kể từ 6 thập kỷ qua.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 31-7, bà Ursula von der Leyen cho biết, các tổ công tác của 2 bên sẽ làm việc ngay để thiết lập những điều kiện phù hợp cho hoạt động quay lại đàm phán. Đồng thời, khẳng định FTA sẽ mang lại tiềm năng to lớn cho cả hai nước về việc làm và tăng trưởng.
Còn Tổng thống Philippines F.Marcos Jr. mô tả, Philippines và EU là những đối tác có cùng chí hướng với các giá trị chung về dân chủ, thịnh vượng, bền vững và toàn diện, pháp quyền, hòa bình và ổn định cũng như nhân quyền. Hiện, EU là đối tác thương mại lớn thứ tư của Philippines và nếu FTA được ký kết, thì đây sẽ là thỏa thuận thương mại tự do song phương thứ hai của Manila, sau thỏa thuận với Nhật Bản.
Trước đây, Philippines được hưởng quy chế Chương trình ưu đãi mở rộng (GSP) cho phép nước này xuất khẩu miễn thuế 6.274 sản phẩm sang EU, nhưng chương trình sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Theo GSP, được mở rộng cho các nước đang phát triển, EU cắt giảm thuế nhập khẩu xuống 0 đối với 2/3 danh mục sản phẩm để đổi lấy việc thực hiện 27 công ước quốc tế về nhân quyền, quyền lao động, môi trường và quản trị tốt.
Xuất khẩu của Philippines vào EU đã tăng 27% mỗi năm kể từ khi GPS được thực thi vào năm 2014, góp phần tạo ra lợi ích kinh tế xã hội quan trọng cho cộng đồng địa phương và nông thôn của Philippines. Điều này phản ánh thông qua việc có hơn 200.000 việc làm mới trong các lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất.
Khi GSP hết hạn, nếu FTA được ký kết, Philippines sẽ củng cố vị trí của mình tại thị trường EU với các quốc gia thuộc Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA), bao gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. Điều này hứa hẹn giúp tăng cường tiếp cận thị trường cho các nhà xuất khẩu của Philippines trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và ngư nghiệp đến các quốc gia EFTA, đồng thời cho phép đầu tư và chuyển giao công nghệ từ các quốc gia phát triển cao "chảy" vào nền kinh tế quốc đảo này.
Bên cạnh đó, FTA với EU sẽ đưa Manila ngang hàng với các quốc gia trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác hiện đang tăng cường theo đuổi mối quan hệ kinh tế bền chặt hơn với EU. Nói một cách khác, nếu không đặt ưu tiên để hoàn tất tiến trình đàm phán, Philippines sẽ tiếp tục bị tụt hậu hơn so với các đối tác ASEAN. Singapore, Việt Nam đã ký FTA với EU và Indonesia đang nỗ lực để hoàn thành FTA của mình.
Về phía EU, quyết định nối lại đàm phán FTA với Philippines là một bước đi để khối này đa dạng hóa các nguồn cung, trong chiến lược chuyển hướng thương mại tới khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, mục tiêu ký FTA với toàn bộ ASEAN đã được Brussels đặt ra từ nhiều năm trước trong chiến lược tăng cường ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương.
ASEAN là thị trường quan trọng đối với EU trong việc tăng cường xuất khẩu, do vậy, xóa bỏ thuế quan chắc chắn sẽ là một trong những cấu phần then chốt và góp phần đáng kể vào quá trình lưu chuyển hàng hóa trong khu vực.
Trong bối cảnh EU đã có các FTA với Singapore và Việt Nam nhưng chưa có các hiệp định song phương với các nước thành viên ASEAN khác thì việc khơi thông dòng chảy thương mại trong toàn khu vực sẽ gặp nhiều trở ngại.