Xã hội

Không ngại nghề khó!

Mai Hoa 02/08/2023 - 06:43

Chứng kiến cảnh những em nhỏ, hoặc người khuyết tật, người già yếu, bệnh tật bị lợi dụng đưa đi lang thang xin tiền, các thành viên Đội Trật tự xã hội lưu động thuộc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội càng thấm thía hơn về ý nghĩa công việc họ. Tất cả càng có thêm động lực để vượt mọi nguy cơ và khó khăn, góp phần tìm kiếm cho các nạn nhân một mái ấm, giúp họ được chăm sóc, bảo trợ, hoặc sớm được trở về với gia đình, thân nhân.

mot-buoi-sinh-hoat-cua-cac-.jpg
Một buổi sinh hoạt của các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội.

Người lang thang xin tiền bị lợi dụng

Đồng hành cùng những gương mặt trẻ của Đội Trật tự xã hội lưu động trong một ca làm việc tối, có thể cảm nhận phần nào những khó khăn, vất vả, nguy cơ mà họ đối diện thường trực mỗi ngày. Đối tượng lang thang xin tiền thường xuyên di chuyển ở các khu vực giáp ranh, có đối tượng bảo kê theo sát, nên để tiếp cận đúng lúc đối tượng có hành vi xin tiền, quay được hình ảnh rõ ràng làm bằng chứng thực sự phải rất công phu.

21h30 ngày 11-7-2023, tại khu vực ngã rẽ đường Trường Chinh giao với đường Tôn Thất Tùng, sau khi anh em trong Đội Trật tự xã hội lưu động phát hiện, quay được hình ảnh 2 đối tượng lang thang xin tiền, ngay lập tức đã có người, nghi là bảo kê, đi xe máy đưa nhanh 1 trong 2 đối tượng đi “mất hút”. Anh em trong Đội Trật tự xã hội lưu động chỉ kịp mời đối tượng còn lại về Công an phường Khương Thượng gần đó để thực hiện quy trình ban đầu về lập hồ sơ quản lý, tập trung, trợ giúp người lang thang xin tiền theo quy định.

Tại đây, chị H.T.T, đối tượng lang thang xin tiền, chia sẻ, chị sinh năm 1974, mẹ đã qua đời, bố lấy vợ khác (chị gọi là “dì”), các em đều đã lập gia đình. Chị không có giấy tờ tùy thân, từng được tập trung ở một trung tâm bảo trợ xã hội trước đây. Nhưng sau khi được gia đình ở huyện Lang Chánh, Thanh Hóa đón về một thời gian, chị trở lại Hà Nội để đi xin tiền, bán hàng rong.

Chị H.T.T cho biết, hằng ngày đi xin tiền, chị chỉ được nuôi ăn, không biết xin được bao nhiêu, không biết được trả bao nhiêu tiền. Thu được tiền, chị không được giữ, không được đếm, mà phải đưa hết cho “chủ”. Người này sẽ chuyển khoản cho “dì” của chị ở quê.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, anh Nguyễn Kim Hiển, Đội phó Đội Trật tự xã hội lưu động chia sẻ: Thời gian qua, sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, đặc biệt là giữa Đội Trật tự xã hội lưu động và lực lượng công an ngày càng thuận lợi, chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, đối tượng bảo kê, chăn dắt, lợi dụng người lang thang xin tiền ngày càng tinh vi, liên tục đưa đối tượng lang thang xin tiền di chuyển địa bàn hoạt động quanh các khu vực giáp ranh và tìm mọi cách đối phó với lực lượng chức năng. Thậm chí, họ còn thuê người, trả 4 triệu đồng/tháng, chỉ với nhiệm vụ đứng trước cổng cơ quan theo dõi xe ô tô của Đội đi về hướng nào là báo cho đối tượng bảo kê phòng bị…

Không lẩn tránh việc khó    

Phùng Ánh Dương, sinh năm 1995, một gương mặt trẻ của Đội Trật tự xã hội lưu động, nhà tại Thụy An (Ba Vì, Hà Nội), từng học Cao đẳng Y tế Phú Thọ. Anh Dương gắn bó với nghề công tác xã hội đã được 5 năm, trong đó có 2 năm gắn bó với hoạt động tập trung người lang thang xin tiền, với không ít chuyện vui, buồn. Có lần, trong lúc làm nhiệm vụ, Dương bị đối tượng nghiện ma túy cắn chảy máu rồi vùng chạy thoát, khiến anh phải đi xét nghiệm máu phòng ngừa phơi nhiễm. Rất may, sau đó đối tượng được xác định không có HIV, khiến Dương thực sự nhẹ người.

Có lần, cách đây chừng nửa tháng, Dương tập trung 1 em bé 11 tuổi lang thang xin tiền về trung tâm bảo trợ nuôi dưỡng. Dương kể: Cháu bé khóc mãi, kể là quê ở Thanh Hóa, nghỉ hè được người quen đưa ra Hà Nội, bảo tranh thủ đi ăn xin lấy tiền mua sách. Thương lắm, vì rất nhiều cháu bé như em này, bị các đối tượng “chăn dắt, bảo kê” đưa đến các ngã tư đầy khói bụi, nhiều khi phải vạ vật đến tận 1-2h sáng để xin tiền.

Do đặc thù công việc thường xuyên phải “trực chiến”, hiếm khi được nghỉ liền nên tuy quê nhà cách không quá xa, anh cũng ít có điều kiện về thăm cha mẹ, vợ con. Khuôn mặt sáng sủa, tác phong nhanh nhẹn, ánh mắt linh hoạt, thông minh, Dương chấp nhận mức thu nhập không cao của nghề công tác xã hội “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” và những rủi ro của nghề này. Dương tâm sự: “Làm nghề này, phải yêu nghề mới làm được, bởi có rất nhiều việc không tên. Đã theo nghề thì phải cố gắng, bởi qua công việc, tôi được tiếp xúc nhiều mối quan hệ, hiểu hơn về số phận con người, về đặc thù vùng miền, giúp đỡ được những thân phận thiệt thòi…

Mong mỏi lớn nhất của tôi, đó là mỗi người dân hãy làm công tác từ thiện đúng lúc, đúng nơi, thay vì đem tiền, hiện vật cho người lang thang xin tiền. Với những đối tượng này, Nhà nước đã có chính sách tập trung đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng, chăm sóc, hoặc tìm cho họ mái ấm gia đình. Từ thiện không đúng cách, vô tình sẽ khuyến khích hành vi trục lợi, vốn chỉ lợi cho những kẻ “chăn dắt, bảo kê”, bản thân người khó khăn thực sự lại không được hưởng”!