Xác định phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp là nền tảng phát triển du lịch, dịch vụ
Chiều 1-8, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (NN&PTNT) tổ chức hội thảo về quy hoạch nông nghiệp Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tới dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải.
Báo cáo về đề xuất của nhóm tư vấn về nông nghiệp, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại diện Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô cho biết, nông nghiệp của Hà Nội cần định hướng phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp trải nghiệm kết hợp với du lịch, sinh thái...
Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao thông minh, Hà Nội dự kiến xây dựng 8 khu nông nghiệp công nghệ cao, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư.
“Đối với lĩnh vực thủy lợi, cần làm "sống lại" các dòng sông trên địa bàn thành phố Hà Nội, tạo giá trị về cảnh quan và dịch vụ; khai thác hai bên sông Hồng, phát triển thành dịch vụ thương mại trên hai bờ sông nhưng không ảnh hưởng đến dòng chảy...”, GS.TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Sở đã đánh giá toàn bộ hiện trạng của ngành nông nghiệp Thủ đô, từ đó xác định từng vùng phù hợp loại cây trồng, vật nuôi nào... Hà Nội phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, sinh thái trải nghiệm; tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao…
Góp ý vào đề cương quy hoạch phát triển nông nghiệp Thủ đô, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết thêm, Sở đã có 11 báo cáo về quy hoạch gửi các ngành liên quan, theo đó, mỗi xã đều có các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đây là cơ sở dữ liệu cho bên tư vấn để đưa vào phương án phát triển nông nghiệp.
Trên cơ sở đề cương hôm nay, các đơn vị tư vấn cần cập nhật từng mục tiêu, phương án cụ thể để ngành nông nghiệp và các địa phương thực hiện hiệu quả.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, quy hoạch nông nghiệp Thủ đô còn nhiều việc phải làm nên các ngành có cách thức tiếp cận trong xây dựng quy hoạch chung Thủ đô. Tất cả các ngành cần xác định phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại để đưa vào nội dung khung định hướng quy hoạch Thủ đô.
Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, việc đánh giá thực trạng và hiện trạng rất quan trọng, bởi tồn tại, hạn chế của ngành từ lịch sử để lại rất lớn. Ngành thủy lợi, lâm nghiệp, nông nghiệp… của Thủ đô còn nhiều hạn chế; cơ sở dữ liệu của ngành nông nghiệp đang phân tán, không đầy đủ. Do đó, nếu không đánh giá kỹ thì không đi vào thực chất, lập quy hoạch chỉ là “trên giấy”. Vì vậy, vừa bàn quy hoạch, vừa phải có cơ chế riêng gỡ vướng tồn tại trong lịch sử.
Bên cạnh đó, cần xác định rõ quan điểm phát triển của từng ngành, định hướng phát triển, định vị không gian phát triển. Cụ thể, cần chú trọng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển tuần hoàn trong nông nghiệp. Đối với vấn đề quy hoạch đô thị gắn với quy hoạch nông thôn, cần xác định phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp là nền tảng phát triển du lịch, dịch vụ, không phải trồng rừng để lấy gỗ.