Giáo dục

Tạo phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời rộng khắp

Thúy Nga 01/08/2023 - 16:57

Văn phòng Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 1260-TB/TU, truyền đạt kết luận của đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tại buổi làm việc với Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam diễn ra ngày 11-7-2023.

thuong-truc-thanh-uy.jpg
Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh Viết Thành

Theo kết luận, về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục các hạn chế; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể Thủ đô tiếp tục thực hiện Kết luận số 49-KL/TƯ ngày 10-5-2019 của Ban Bí thư (khóa XII); xác định rõ công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ quan trọng phải làm để có kết quả tương xứng với vị trí, vai trò của Thủ đô; tập trung xây dựng xã hội học tập gắn với xây dựng văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Bí thư Thành ủy giao Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội (hoàn thành, trình Ban Thường vụ Thành ủy trước ngày 30-9-2023).

Bí thư Thành ủy cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến với nhiều hình thức phong phú, thiết thực để người dân nhận thức rõ hơn về sự cần thiết xây dựng xã hội học tập, phát triển các mô hình học tập, như: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” trên cơ sở đó sơ kết, tổng kết và nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Song song đó, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời; đẩy mạnh phát triển đào tạo từ xa, trong đó, tập trung phát triển áp dụng các công nghệ tiên tiến; nâng cao chất lượng đào tạo từ xa, chú trọng công tác kiểm định chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng. Tăng cường xây dựng, khai thác, tích hợp, chia sẻ nguồn tài nguyên giáo dục mở, học liệu mở với các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.

Củng cố và phát triển các tổ chức Hội Khuyến học ở các cộng đồng dân cư; phát triển tổ chức khuyến học trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học và trong lực lượng vũ trang, tạo nên phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn thành phố, gắn kết các tiêu chí công nhận mô hình học tập, công dân học tập, gia đình học tập, đơn vị học tập với gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa và các phong trào thi đua của thành phố.

Mỗi tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội cần có biện pháp phù hợp thúc đẩy việc học tập suốt đời của các thành viên, hội viên trong tổ chức để góp phần cùng với gia đình, dòng họ, tổ dân phố, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học... không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Thủ đô; xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Chính quyền các cấp tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập để củng cố, phát triển bền vững các trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, phường, thị trấn; tạo thuận lợi cho các trung tâm học tập cộng đồng tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, đào tạo nghề, xây dựng xã hội học tập thực sự hiệu quả. Từng bước tổ chức xây dựng mô hình “Đơn vị học tập” ở cấp huyện, ở cơ quan, đơn vị; mô hình “Thành phố học tập”, “Công dân học tập”…