Phú Xuyên chuyển mình cùng Thủ đô phát triển xanh, bền vững
Với mục tiêu nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị văn minh, đô thị xanh; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng; đẩy mạnh xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị đoàn kết, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, Phú Xuyên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát từng phần việc trọng tâm, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.
Sau 15 năm hợp nhất, với sự quyết liệt, nỗ lực của cả hệ thống chính quyền cùng nhân dân địa phương, đặc biệt là sức mạnh của Chương trình xây dựng nông thôn mới, từ một huyện khó khăn của Thủ đô, Phú Xuyên đạt thành quả xứng đáng khi về đích nông thôn mới, tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong tương lai gần, Phú Xuyên sẽ là đô thị vệ tinh, sinh thái hiện đại của Thủ đô. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh.
- Sau 15 năm hợp nhất, bức tranh kinh tế - xã hội của huyện Phú Xuyên ra sao, thưa đồng chí?
- Xuất phát điểm khi hợp nhất cũng như những ngày đầu bắt tay xây dựng nông thôn mới, huyện Phú Xuyên gặp muôn vàn khó khăn. Hầu hết các tiêu chí về kinh tế, hạ tầng giao thông… đều ở mức thấp so với mặt bằng chung; tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 12%. Tuy nhiên, sau 15 năm hợp nhất, hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, kinh tế nông thôn của huyện đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nhiều làng nghề truyền thống ở các xã: Đại Thắng, Vân Từ, Phú Yên... được mở rộng và phát triển, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh giảm nghèo nông thôn. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chỉ còn 0,24%; thu nhập bình quân đạt 57,5 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Năm 2022, tổng thu ngân sách địa phương đạt 3.361 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu, kế hoạch thành phố giao 150%.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện từng bước hiện đại theo hướng đô thị. Nổi bật là hệ thống đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa; đường trục thôn, liên thôn, xóm được bê tông hóa. Tính đến nay, Phú Xuyên đã hoàn thành xây dựng 100% hệ thống đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn, xóm… bảo đảm kiên cố, khang trang.
Là một trong những huyện sớm hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất, đến nay, Phú Xuyên đã dồn điền đổi thửa được 9.060ha đất nông nghiệp, trong đó có 2.830ha đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung.
Song hành, huyện chú trọng đầu tư cho giáo dục - đào tạo, đến nay đã có 63/88 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 71,56%; chất lượng giáo dục đại trà của huyện từng bước được nâng lên, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 99,8%, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 99,92%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định và đạt nhiều kết quả ấn tượng: Năm học 2022-2023, huyện có 65 em học sinh giỏi các môn văn hóa cấp thành phố. Nếp sống văn hóa, nhất là thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội chuyển biến tích cực. Hằng năm, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 94%, tỷ lệ làng văn hóa đạt trên 80%. Công tác lao động, thương binh - xã hội được quan tâm chỉ đạo, bảo đảm thực hiện đúng quy định, thiết thực, hiệu quả.
Bên cạnh đó, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe người dân có nhiều tiến bộ; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 93,5%; 25/25 trạm y tế xã có bác sỹ, do vậy, công tác chăm sóc sức khỏe người dân được nâng lên. Công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, đời sống nông dân từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.
- Một trong những thành tựu quan trọng của huyện là xây dựng thành công huyện nông thôn mới. Đồng chí có thể chia sẻ cụ thể hơn những kết quả đạt được đã góp phần nâng cao đời sống người dân?
- Với xuất phát điểm thấp, trung bình các xã mới đạt từ 5-6 tiêu chí, hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ, tiêu chí trường học, đường giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập của người dân vẫn ở mức thấp. Từ chỗ ngại khó, tâm lý trông chờ hỗ trợ từ cấp trên, đến nay, nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp và nhân dân về xây dựng nông thôn mới thay đổi rõ nét. Công tác xây dựng nông thôn mới được Huyện ủy, HĐND - UBND huyện chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên. Vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới từng bước được xác định rõ ràng; khuyến khích, động viên người dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới, nhất là xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Sau hơn 10 năm nỗ lực thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện đạt nhiều kết quả quan trọng. Ngày 25-4-2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện Phú Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Trong thành quả đó có sự đóng góp của nhân dân gồm 43.690 ngày công, 276.347 triệu đồng và hàng chục nghìn mét đất nông nghiệp/đất ở để mở rộng giao thông nông thôn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo nền tảng cho phát triển của địa phương.
- Là địa phương có nhiều làng nghề phát triển, thời gian qua, Phú Xuyên được coi là đột phá trong xây dựng, phát triển, đưa các cụm, điểm công nghiệp làng nghề vào hoạt động, được nhân dân, chính quyền các địa phương đánh giá cao, đồng chí đánh giá thế nào về ý kiến này?
- Toàn huyện Phú Xuyên hiện có 43 làng nghề được thành phố công nhận, trong đó 42 làng nghề đang hoạt động với 546 doanh nghiệp, hợp tác xã và 17.600 hộ sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, thu nhập từ làm nghề tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt tới 80 triệu đồng/người/năm. Trong đó, nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Khảm trai ở xã Chuyên Mỹ là thủy tổ nghề khảm trai có từ thế kỷ 11; nặn tò he ở Xuân La, xã Phượng Dực có cách đây 300 năm và là làng nghề nặn tò he duy nhất ở Việt Nam... Ngoài ra còn có những làng nghề tiêu biểu khác như: May comple ở Vân Từ, giày da Phú Yên, đan cỏ tế xuất khẩu ở Phú Túc, đồ gỗ cao cấp ở Tân Dân, Nam Tiến, nghề cơ kim khí ở Đại Thắng, dệt lưới chã ở xã Quang Trung... Các làng nghề trên địa bàn đã có thương hiệu, đứng vững tại thị trường trong nước, một số sản phẩm được xuất khẩu tới nhiều quốc gia.
Từ chỗ không có cụm điểm công nghiệp phục vụ làng nghề, đến nay, trên địa bàn có 4 cụm công nghiệp đang triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Theo đó, cụm công nghiệp Phú Túc quy mô 5,94ha, cụm công nghiệp Đại Thắng quy mô 7,37ha cơ bản hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đưa vào hoạt động; cụm công nghiệp Phú Yên, quy mô 10ha, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đang triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật; cụm công nghiệp Vân Từ quy mô 7,0ha, đến nay đang triển khai thủ tục giải phóng mặt bằng…
Với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa các cụm công nghiệp vào hoạt động không chỉ giải quyết vấn đề về môi trường, mở rộng sản xuất làng nghề mà còn góp phần thuận lợi trong ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
- Mặc dù thay đổi tích cực song so với nhiều huyện, Phú Xuyên còn không ít khó khăn. Vậy, huyện chủ động vào cuộc tháo gỡ khó khăn, tạo bứt phá trong phát triển ra sao, thưa đồng chí?
- Đúng vậy! Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc huy động kinh phí đầu tư cho các dự án, công trình xây dựng nông thôn mới chưa đáp ứng nhu cầu của địa phương; công tác vận động nguồn lực xã hội hóa, đóng góp của người dân còn hạn chế. Hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn dù được các xã quan tâm đầu tư nhưng một số tiêu chí còn đạt ở mức thấp (trường học đạt chuẩn quốc gia, môi trường, nước sạch, cảnh quan nông thôn...).
Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp tập trung, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Phú Xuyên chưa nhiều; mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã để sản xuất tiêu thụ nông sản còn nhỏ lẻ, tự phát. Cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chưa thu hút được các hộ, doanh nghiệp đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị văn minh, đô thị xanh; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng; đẩy mạnh xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị đoàn kết, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, Phú Xuyên tập trung lãnh đạo chỉ đạo, rà soát từng phần việc trọng tâm, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra. Trong đó, huyện chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phát huy tính tiên phong gương mẫu của đảng viên...
Để Phú Xuyên phát triển hơn nữa, huyện tiếp tục chủ động thực hiện một số biện pháp: Thu hút nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông nông thôn, tăng cường kết nối vùng, từ đó thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương; khuyến khích đầu tư vào ngành nông nghiệp và công nghiệp nhằm tăng việc làm cho người dân địa phương và đẩy mạnh phát triển kinh tế huyện.
Phú Xuyên có thế mạnh về di sản văn hóa và du lịch nông nghiệp nên huyện tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, từ đó thu hút thêm lượng khách du lịch, tạo nguồn thu mới cho địa phương. Huyện cũng xác định rõ đầu tư vào giáo dục - đào tạo là yếu tố quan trọng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nguồn nhân lực đủ mạnh để phát triển kinh tế - xã hội. Huyện cũng tiếp tục tăng cường hỗ trợ đối với doanh nghiệp và người dân, khuyến khích sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
- Cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi!