Luận đàm thời sự

Mở lối và hướng dư luận

Đại sứ Trần Đức Mậu 01/08/2023 - 07:11

Hai năm sau khi cùng Anh và Australia thành lập Liên minh an ninh ba bên, viết tắt là AUKUS, Mỹ mời New Zealand tham gia. Khi đưa ra sự mời chào này nhân chuyến đi Tonga và New Zealand vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken chắc chắn ý thức được rất rõ về tình trạng khó xử của New Zealand.

New Zealand từng là đồng minh quân sự của Mỹ theo Hiệp ước an ninh giữa Mỹ, Australia và New Zealand (ANZUS) ký kết năm 1951. Năm 1985, Mỹ đơn phương ngừng hiệu lực của hiệp ước này với New Zealand sau khi Chính phủ New Zealand kiên quyết thực thi chính sách phi hạt nhân, trong đó có việc không cho phép tàu ngầm hạt nhân hoặc tàu có vũ khí hạt nhân cập cảng hay đi vào vùng lãnh hải của New Zealand.

Liên minh AUKUS thống nhất hai nội dung chính. Thứ nhất là Mỹ và Anh chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân cho Australia và giúp cho nước này phát triển công nghệ hạt nhân. Cả hai điều này và việc tàu ngầm hạt nhân cũng như tàu có vũ khí hạt nhân của Mỹ có thể cập hải cảng của Australia đều trái ngược với định hướng chính sách phi hạt nhân của New Zealand. New Zealand còn là thành viên của Hiệp ước về khu vực phi hạt nhân ở vùng Nam Thái Bình Dương, hay còn được gọi là Hiệp ước Rarotonga. Nếu tham gia nội dung này của Liên minh AUKUS, New Zealand sẽ đi ngược với các cam kết trong Hiệp ước Rarotonga và sẽ vứt bỏ hoàn toàn chính sách phi hạt nhân được kiên định theo đuổi lâu nay.

Nội dung chính thứ hai của Liên minh AUKUS là hợp tác về công nghệ quân sự và quốc phòng. Lĩnh vực này lại hoàn toàn không khiến New Zealand bị khó xử nếu tham gia AUKUS. Hầu hết các đảo quốc nhỏ trong vùng Nam Thái Bình Dương đều cùng tình cảnh như New Zealand. Vào thời điểm AUKUS ra đời, Chính phủ New Zealand bày tỏ quan ngại sâu sắc về nội dung thứ nhất nhưng không phản đối AUKUS, hàm ý để ngỏ khả năng tham gia AUKUS ở "mức độ nhất định nào đấy" vào "thời điểm nào đấy" trong tương lai.

Thật ra, ngay từ đầu, Mỹ cùng với Anh và Australia đều rất muốn tham gia tiến trình hình thành liên minh an ninh mới cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhưng các bên đều biết rằng việc ấy bất khả thi do chính sách phi hạt nhân hóa của New Zealand. Không có sự tham gia của New Zealand và các đảo quốc khác trong vùng, liên minh an ninh ba bên kia không hoàn hảo và không thể có được hiệu quả tối đa về chính trị và an ninh, về quân sự và quốc phòng ở khắp vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Lời mời chào vừa rồi của ông Blinken cho thấy, phía Mỹ đang tìm cách khai phá bế tắc và chuẩn bị dư luận cho việc mở rộng diện thành viên của liên minh an ninh này. Mỹ tập trung trước hết vào việc thuyết phục và lôi kéo New Zealand tham gia để tạo tiền lệ lách chính sách phi hạt nhân và Hiệp ước Rarotonga, giúp cho các thành viên khác của Hiệp ước Rarotonga không còn ngần ngại gì khi tham gia AUKUS. Thông qua tiền lệ mới với New Zealand, bộ ba thành viên AUKUS hiện tại sẽ lôi kéo các đảo quốc nhỏ trong vùng về cùng phe và phân rẽ họ với Trung Quốc. Nhờ đó, AUKUS vừa đối phó trực tiếp Trung Quốc về an ninh và quân sự, lại vừa có thể đẩy lùi cả ảnh hưởng của Trung Quốc ra khỏi vùng Nam Thái Bình Dương trên mọi phương diện.

Xem ra, chủ ý hiện tại của bộ ba trong Liên minh AUKUS là kết hợp thành viên "hai chân trong AUKUS" với thành viên "chân trong, chân ngoài AUKUS". Cách tiếp cận thực dụng này khiến cho lời mời chào có sức quyến rũ cao mà về lâu dài, New Zealand và các đảo quốc nhỏ trong vùng khó có thể cưỡng lại.