Văn hóa

Hoàn thiện thiết chế văn hóa: Nâng cao đời sống tinh thần

Nguyễn Thanh 01/08/2023 - 06:38

Những thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính (2008-2023) ghi dấu ấn sinh động qua vóc dáng, diện mạo thành phố ngày càng bề thế, văn minh, hiện đại.

Trong đó, nỗ lực hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, với phương châm phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững đã đem lại những bước tiến quan trọng về nâng cao đời sống tinh thần, thu hẹp khoảng cách về mức độ hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của người dân ở các khu vực.

gia-lam.jpg
Người dân chơi thể thao tại khuôn viên Nhà văn hóa thôn Yên Viên, xã Yên Viên (huyện Gia Lâm). Ảnh: Trọng Hiếu

Thu hút được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân

Hoàn thiện hệ thống thiết chế là một trong nhiều nội dung được Thủ đô Hà Nội đặc biệt chú trọng, quan tâm chỉ đạo sâu sát trong 15 năm qua, hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần, hiểu biết pháp luật cũng như xây dựng, duy trì nếp sống văn minh trong nhân dân. Cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, nghị quyết, quyết định, kế hoạch dài hạn - ngắn hạn, tạo hành lang pháp lý trong việc xây dựng, sử dụng, phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa bảo đảm đúng hướng.

Theo thống kê từ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, toàn thành phố hiện có 5.249 thiết chế, công trình văn hóa, thể thao, trong đó có 4.656 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt thôn, tổ dân phố; 125 trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã; 84 thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện; 27 thiết chế văn hóa, thể thao thuộc Sở Văn hóa và Thể thao và 6 thiết chế văn hóa do UBND thành phố trực tiếp quản lý… Bên cạnh nỗ lực hoàn thiện thiết chế văn hóa, thành phố còn có các công trình văn hóa, thể thao tiêu biểu cả nước và khu vực, như: Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao…

Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Thành Tuyên cho biết: “Nhiều quận, huyện, như: Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên, Đan Phượng, Thanh Xuân... đã xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý, sử dụng và phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao, thu hút được sự ủng hộ, đồng hành của các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp”.

Là một trong nhiều địa phương quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt thông tin: “Huyện đang triển khai dự án đầu tư giai đoạn 2020-2025 với 14 dự án xây mới trung tâm văn hóa thể thao cấp xã có tổng nhu cầu vốn gần 568 tỷ đồng và 7 dự án xây mới, cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa thôn với kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Cùng với đó, huyện cũng tiếp tục chú trọng huy động nguồn vốn xã hội hóa cho việc đầu tư trang thiết bị phục vụ nhân dân vui chơi, rèn luyện sức khỏe”.

Tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ

Bên cạnh việc quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất cho thiết chế văn hóa, thể thao, công tác triển khai và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao từ thành phố đến cơ sở cũng ngày một đi vào nền nếp, có hiệu quả. Hệ thống nhà văn hóa cơ sở, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố không chỉ phát huy được tác dụng là điểm sinh hoạt, hội họp, học tập của nhân dân, mà còn trở thành nơi giao lưu văn hóa, thể thao, phát triển văn hóa đọc hay bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể...

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Xuyên đánh giá, nhờ có nhà văn hóa, câu lạc bộ hát chèo của thôn Nhị Khê, xã Hoàng Long với gần 40 thành viên đã có điểm sinh hoạt thường xuyên. Vào dịp cao điểm, tối nào nhà văn hóa cũng sáng đèn, thu hút các “nghệ sĩ nông dân” đến tập luyện. Còn bà Trần Lê Thu (tổ dân phố số 9, thị trấn Đông Anh) chia sẻ, từ năm 2020, sau khi được UBND thị trấn đầu tư xây nhà văn hóa mới, nhân dân trong khu phố đồng lòng góp công, góp của đầu tư thêm các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt văn nghệ, thể thao, đưa nơi đây trở thành không gian sinh hoạt văn hóa sôi nổi, gắn kết cộng đồng.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, Hà Nội phấn đấu trong giai đoạn 2022-2026, 100% quận, huyện, thị xã có thiết chế văn hóa, thể thao; 80% người dân được nâng cao mức hưởng thụ văn hóa; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống… Để đạt được mục tiêu này, thành phố xác định tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn. Thành phố tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy làm công tác quản lý, tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ từ thành phố đến cơ sở, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.