Chính trị

Dấu ấn đổi thay và khát vọng vươn tới

Quốc Bình - Mai Hữu ghi 01/08/2023 - 06:21

15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội khóa XII “về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, thành phố Hà Nội đã cho thấy đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung ương dành cho Thủ đô.

hn1.jpg
Diện mạo đô thị khang trang, hiện đại của Thủ đô Hà Nội.

Từ những dấu ấn đổi thay, giờ đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đang quyết tâm tạo bước đột phá đưa Hà Nội phát triển lên tầm cao mới.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng:
Làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe

yk-npt.jpg

Năm 2023 vẫn là năm còn chịu ảnh hưởng phức tạp của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội cần tiếp tục nhận thức sâu sắc và phát huy tốt hơn nữa truyền thống ngàn năm văn hiến - anh hùng, truyền thống cách mạng kiên cường, phát huy tốt hơn nữa vai trò, vị thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô trong xu thế phát triển chung của đất nước; khơi dậy ý chí, vươn lên xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại; nêu cao hơn nữa lòng tự hào, tự trọng, ý chí quyết tâm, tinh thần năng động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới phong cách lãnh đạo, điều hành, chủ động, tích cực tranh thủ mọi thời cơ và thuận lợi, bình tĩnh, tỉnh táo vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Nói đến Thủ đô Hà Nội, trong lòng mỗi người con đất Việt đều xúc động, tự hào về mảnh đất ngàn năm văn hiến và Anh hùng, hào hoa và thanh lịch, Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người, Thành phố Vì hòa bình. Trong suốt cuộc đời hoạt động “vì nước, vì dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Thủ đô Hà Nội những tình cảm đặc biệt. Hà Nội cũng là nơi gắn với những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, một trong những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất, nơi có nhiều địa danh in dấu chân Bác, khi nói về Hà Nội, Bác thường dùng ba chữ "Thủ đô ta".

Trong bài viết đăng trên Báo Nhân Dân số 236 ra ngày đầu tiên Thủ đô được giải phóng (10-10-1954), Bác đã viết: "Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần". Và gần đây, ngày 5-5-2022, Bộ Chính trị đã tiếp tục ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đây chính là sự quan tâm đặc biệt và cũng là yêu cầu, mong muốn, tin tưởng để Hà Nội thực sự phát triển, gương mẫu đi đầu, làm gương cho cả nước như Bác Hồ từng căn dặn với Thủ đô ta.

(Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi thăm, chúc Tết Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023)

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng:
“Văn hiến, văn minh, hiện đại” là định vị rất quan trọng

yk-vvt.jpg

Khi ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã định vị rõ Hà Nội là gì, mà khi nhìn lại chúng ta thấy rằng “văn hiến, văn minh, hiện đại” là định vị rất quan trọng. Sau này có đổi mới, có nâng cao chất lượng, có bàn gì thêm thì cũng là những nội dung bên trong thôi, chứ “văn hiến, văn minh, hiện đại” đã bao hàm rất nhiều ý nghĩa.

Trong quá trình tham gia hoàn thiện nghị quyết này, tôi xin kể các đồng chí nghe câu chuyện. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi còn làm Bí thư Thành ủy Hà Nội có dẫn đầu Đoàn công tác sang châu Âu để nghiên cứu về phát triển đô thị. Khi đến London (Vương quốc Anh) thấy có rất nhiều công viên quy mô rộng, đẹp. Khi đô thị phát triển, dân cư tập trung cao thì có nhu cầu di dời các nhà máy, xí nghiệp ra ngoại thành giống như mình bây giờ... Đồng chí Bí thư Thành ủy mà giờ là Tổng Bí thư đã về bàn ra nghị quyết chỉ đạo Ban Thường vụ Thành ủy chọn một số điểm để thí điểm theo nghị quyết đó.

Vừa qua, những khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp mà chúng ta di dời ra bao nhiêu trở thành dịch vụ thương mại, bao nhiều trở thành công trình công cộng hay là trở thành nhà cao tầng hết. Cũng may là tôi biết một số khu trụ sở cơ quan rời ra cũng đôi khi cũng định vị làm nhà cao tầng, nhưng may là có tòa nhà rời ra cũng làm nhà hát. Tôi nghĩ như vậy thì vài năm nữa Thủ đô của chúng ta đẹp thôi. Tôi muốn kể câu chuyện đó để thấy rằng khi làm thì phải quyết tâm. Và tôi còn nhớ trong hội nghị để bàn ra nghị quyết này thì đồng chí Tổng Bí thư có nói rằng, Hà Nội phải quyết tâm để Hà Nội phải khác bây giờ.

(Trích phát biểu của đồng chí Võ Văn Thưởng tại hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị)

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:
Vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh

yk-pmc.jpg

Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, trong bối cảnh rất khó khăn do đại dịch Covid-19 và khó khăn chung của thế giới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã thể hiện rõ quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; thể hiện trách nhiệm cao đối với cả nước, nhất là đóng góp vào GDP, ngân sách nhà nước; tích cực chia sẻ, hỗ trợ các địa phương khác...

Tôi rất ấn tượng với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt của thành phố trong tổ chức thực hiện dự án đường Vành đai 4, nhất là công tác giải phóng mặt bằng đã có chuyển biến mạnh, thể hiện rõ vai trò, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, mà đứng đầu là đồng chí Bí thư Thành ủy, đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án; nhờ đó, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Tình hình sắp tới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tôi mong muốn Hà Nội phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, xây dựng và phát triển Thủ đô toàn diện, nhanh, bền vững, văn hiến, xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ của cả nước. Thủ đô phải là hình mẫu cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước.

Đề nghị thành phố tiếp tục bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Cùng với nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, tầm quan trọng của thành phố trong sự phát triển chung của cả nước - Thủ đô vì cả nước, cả nước vì Thủ đô, Hà Nội cần nhận diện rõ các khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế, yếu kém trong quá trình phát triển, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá.

(Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 6-5-2023)

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:
Mong muốn Hà Nội có bước phát triển mạnh hơn, đột phá hơn

yk-vdh.jpg

Các cụ ta có câu "ngắn sào dễ trở", nhưng quy mô của Hà Nội thì lớn mà thành phố xoay xở được trong bối cảnh khó khăn như vừa qua là rất tốt.

Về các nhiệm vụ thời gian tới, tôi đề nghị các đồng chí tập trung rà soát, làm rõ những mặt còn hạn chế để đề ra các giải pháp khắc phục. Ngoài các hạn chế đã được đề cập, thành phố cần rà soát thêm về chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững; tăng tốc công tác quy hoạch; cải tiến các chỉ số đánh giá về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh...

Với tinh thần Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước, mong muốn chung của chúng ta là Hà Nội sẽ có bước phát triển mạnh hơn, đột phá hơn và hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo thẩm quyền, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quan tâm, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của thành phố; đây đều là những kiến nghị, đề xuất phù hợp, xuất phát từ thực tiễn đời sống.

Đối với Luật Thủ đô (sửa đổi), chúng tôi xác định không chỉ là nhiệm vụ của thành phố Hà Nội và Bộ Tư pháp mà là trách nhiệm chung của các cơ quan trung ương, các bộ, ban, ngành và địa phương cả nước. Luật Thủ đô (sửa đổi) phải làm sao thể chế hóa được quan điểm trực tiếp nhất hiện nay về phát triển Thủ đô là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị với mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô thông minh, hiện đại, an ninh, an toàn; văn hiến, văn minh, hiện đại; phát triển nhanh và bền vững, có sức lan tỏa, thúc đẩy Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

(Trích phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 25-7-2023)