Vùng chiêm trũng Ứng Hòa ngày càng khang trang, hiện đại
Vốn là vùng chiêm trũng của tỉnh Hà Tây (cũ), sau 15 năm "về Thủ đô", Ứng Hòa "thay da đổi thịt" và ngày càng khang trang, hiện đại với hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ. Từ giao thông nội đồng đến đường làng ngõ xóm đều đã kiên cố hóa; trường học, nhà văn hóa, trạm y tế được đầu tư xây mới, đầy đủ trang thiết bị phục vụ nhân dân...
15 năm qua, từ vùng quê thuần nông nhiều gian khó, Ứng Hòa từng bước đổi thay rõ nét về cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội địa phương phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày được nâng cao. Những con đường khang trang, trải nhựa kiên cố, mô hình kinh tế xanh hình thành, diện mạo nông thôn đổi thay từng ngày... Bức tranh nông thôn khang trang, hiện đại đang hiện hữu nơi đây.
Từ những công trình làm đẹp miền quê...
Năm học mới này, cô và trò Trường tiểu học xã Tảo Dương Văn (huyện Ứng Hòa) được giảng dạy, học tập trong ngôi trường mới rộng rãi, khang trang, đầy đủ phòng nội bộ, chức năng. Công trình có kinh phí 44,5 tỷ đồng do quận Tây Hồ hỗ trợ. Đến nay, công trình cơ bản hoàn thành, sẵn sàng chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Tảo Dương Văn Tưởng Thị Liên chia sẻ niềm vui: Có được ngôi trường đẹp như hôm nay, thầy cô, học sinh và phụ huynh đều mừng vui, hạnh phúc... bởi đây là tấm lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Tây Hồ gửi tới ngoại thành, không chỉ rút ngắn khoảng cách đô thị - nông thôn mà còn là sự nối dài tình cảm thắm thiết giữa nội đô và ngoại thành sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô...
Chung niềm vui, bà Đặng Thị Thu, người dân xã Đại Cường chia sẻ: Trước đây, giao thông qua địa phương đều là đường khó đi; đường trục chính qua xã thì nhỏ hẹp, gập ghềnh... Nhiều xóm ở xa trung tâm xã còn chịu cảnh đường đất lầy lội. Mỗi lần con cháu từ nội đô về thăm ông bà, bố mẹ phải đi hết vài tiếng đồng hồ. Nhưng sau 15 năm, nhiều tuyến đường được kết nối, nhất là mới đây, con đường Hoàng Quốc Việt nối Tỉnh lộ 426 với đường trục phát triển phía Nam thủ đô Hà Nội chạy qua địa bàn xã được hoàn thành, đưa vào sử dụng khiến bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội của địa phương được cải thiện đáng kể.
"Người dân Đại Cường chúng tôi thực sự thấm thía "Đường tới đâu, kinh tế - xã hội, giao thương phát triển tới đó"", bà Thu nói.
Không chỉ có đường Hoàng Quốc Việt với mức đầu tư 180 tỷ đồng, trước đó, tỉnh lộ chạy qua địa bàn cũng đã được mở rộng, nâng cấp với hệ thống cây xanh, đèn chiếu sáng đồng bộ. Có thể nói, trong 15 năm qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho hạ tầng, Đại Cường và các xã vùng Khu Cháy, vốn được coi là “trũng” về hạ tầng giao thông, đã đổi khác rất nhiều.
Về các miền quê của Ứng Hòa hôm nay không khó để gặp những ao làng được kè đá, lắp ghế đá, trồng cây xanh, đèn chiếu sáng cùng những con đường hoa làm đẹp làng quê. Sáng sáng, chiều chiều, sau giờ lao động, những nông dân vui vẻ tham gia thể dục - thể thao ở nhà văn hóa hay các khuôn viên công cộng - nơi được lắp đặt đầy đủ dụng cụ thể thao ngoài trời.
Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn Nguyễn Duy Chuyên cho hay: Hoa Sơn đã là xã nông thôn mới nâng cao, đang tiến gần nông thôn mới kiểu mẫu. Sau 15 năm, vùng trũng Ứng Hòa thay đổi rất nhiều, Hoa Sơn cũng nằm trong hành trình thay đổi đó. Đến nay, 100% tuyến đường trục xã, liên xã, từ trung tâm xã đến huyện đều đã bê tông hóa. Hệ thống cơ sở giáo dục được đầu tư nâng cấp với 3/3 trường (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; 3/3 thôn đều có nhà văn hóa, được trang bị đầy đủ thiết chế văn hóa, trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
... đến kinh tế xanh vùng trũng chuyển mình
Cùng với hạ tầng được đầu tư bài bản, kinh tế huyện Ứng Hòa có nhiều khởi sắc. Là vựa lúa của Thủ đô, Ứng Hòa vươn lên trở thành một trong những địa phương đi đầu về việc đưa giống lúa J02 - giống lúa Nhật vào sản xuất đại trà, gọn vùng, gọn thửa. Sản xuất được áp dụng cơ giới hóa gắn với chuỗi giá trị nên nông dân làm nông nghiệp có thu nhập ổn định, lại có nhiều thời gian tham gia các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nâng cao thu nhập.
Điển hình như chuỗi sản xuất giống lúa mới chất lượng cao tại một số xã liên kết với Hợp tác xã Đoàn Kết từ khâu cung ứng giống, phân bón đến thu mua thóc tươi tại ruộng. Hay như mô hình xây dựng cánh đồng ở Hòa Phú trồng một giống lúa với quy trình sản xuất đồng bộ từ khâu làm đất, thủy lợi, chăm sóc, dự báo, thu hoạch, năng suất đạt cao, chất lượng gạo ngon, bán được giá. Mô hình trồng rau an toàn tại xã Sơn Công là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên được triển khai trên địa bàn, ban đầu thí điểm 5ha, đến nay được mở rộng gần 30ha…
Ông Lê Văn Tín, Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Ngọc Động chia sẻ: "Được thành phố và ngành Nông nghiệp quan tâm hỗ trợ phát triển mô hình nuôi thủy sản áp dụng công nghệ "Sông trong ao", nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, nuôi cá + lúa… đã giúp địa phương thay đổi căn bản về chất so với mô hình thủy sản truyền thống trước kia. Công nghệ mới, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản được kiên cố hóa, đạt hiệu quả cao... đang góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân ngoại thành".
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch cho hay: Trong những năm qua, nhờ sự hỗ trợ, đầu tư từ nhiều nguồn, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của địa phương đạt khoảng 7,58%. Nông nghiệp của huyện từ chỗ trước khi hợp nhất là chủ lực thì nay chỉ còn 32,7%, công nghiệp 29,7%, thương mại dịch vụ 37,6%. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp giảm nhưng giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác lại tăng.
Hiện, thu nhập bình quân trên địa bàn đạt 47,2 triệu đồng/người/năm. Huyện đã hoàn thiện 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2023, huyện phấn đấu có thêm 3 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu và được công nhận huyện nông thôn mới.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn thông tin: Trong 15 năm qua, kinh tế - xã hội, an sinh xã hội... trên địa bàn huyện phát triển vượt bậc. Đặc biệt, công tác giáo dục - đào tạo được tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục; cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, toàn huyện có 84/90 trường đạt chuẩn quốc gia. Với đa dạng hình thức trợ giúp người nghèo, đến nay, toàn huyện chỉ còn 46 hộ nghèo, chiếm 0,08%, trong đó có 11 xã không còn hộ nghèo.
Những thành quả của Ứng Hòa đang cho thấy hiệu quả rõ nét từ nguồn lực đầu tư của thành phố cùng sự nỗ lực không ngừng của chính quyền, nhân dân trên địa bàn.