Gia Lâm tổ chức sinh hoạt chính trị tư tưởng về phát huy giá trị văn hóa
Ngày 31-7, Huyện ủy Gia Lâm tổ chức Hội nghị sinh hoạt chính trị tư tưởng về “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người góp phần xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh” cho cán bộ chủ chốt huyện và cơ sở bằng hình thức trực tiếp tại Huyện ủy và trực tuyến tới 22 điểm cầu xã, thị trấn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt khẳng định: Đất và người Gia Lâm gắn liền với truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, kiên cường, bất khuất đánh đuổi giặc ngoại xâm; cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động, sản xuất. Gia Lâm tự hào là quê hương của Phù Đổng Thiên Vương, biểu tượng khí phách quật khởi của con người Việt Nam. Gia Lâm gắn liền với tên tuổi của đức thánh Chử Đồng Tử, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, Ngọc Hân công chúa, danh nhân Cao Bá Quát…
Trên địa bàn huyện có 320 di tích lịch sử văn hóa và cách mạng kháng chiến; trong đó, có khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng; 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Lễ hội Gióng đền Phù Đổng); 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội đình Chử Xá - xã Văn Đức; nghề dát vàng quỳ - xã Kiêu Kỵ; nghề gốm làng Bát Tràng - xã Bát Tràng); 100 lễ hội truyền thống...
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Trung ương và thành phố, những năm qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gia Lâm thường xuyên quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa, chăm lo nguồn lực con người và đạt kết quả rất quan trọng. Các chỉ tiêu văn hóa đạt và vượt kế hoạch, đời sống văn hóa tinh thần của người dân liên tục được nâng cao. Các nhiệm vụ chính trị, nhất là trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và hoàn thiện các tiêu chí thành lập phường, thành lập quận được hoàn thiện, góp phần vào sự phát triển của Thủ đô.
Tại hội nghị, cán bộ, đảng viên của huyện đã được PGS, TS Đặng Quang Định - Viện trưởng Viện Triết học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) truyền đạt, phân tích, làm rõ giá trị, đặc điểm của văn hóa Thăng Long- Hà Nội, nhấn mạnh văn hóa văn minh, thanh lịch người Hà Nội; nội hàm “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; nhận diện các nguồn lực văn hoá của Thủ đô, trong đó bao gồm các nguồn vốn xã hội, các vấn đề về con người Hà Nội; đánh giá giá trị và giải pháp để bảo tồn phát huy, phát triển giá trị của Thủ đô di sản và vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa, một số vấn đề cụ thể cần ưu tiên tập trung trong huy động giá trị và nguồn lực văn hóa để phát triển Thủ đô (các công trình văn hóa, quy hoạch, kiến trúc, thiết chế văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, tác phẩm nghệ thuật).
Hội nghị cũng góp phần định hướng, lan tỏa, khơi dậy niềm tự hào, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện chung sức phát huy các nguồn lực, nhất là nguồn lực văn hóa cho phát triển huyện Gia Lâm và Thủ đô...