Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về khát vọng độc lập, tự do
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thắp sáng ngọn đuốc “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” trong Cách mạng Tháng Tám. Trong chặng đường 78 năm qua kể từ khi nước ta giành được độc lập, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn soi rọi sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc. Thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng ta luôn kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Khát vọng độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào
Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành (với tên là Văn Ba) rời Bến cảng Nhà Rồng quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Bấy giờ, lịch sử Việt Nam chìm trong đêm trường nô lệ, con đường cứu nước dưới ngọn cờ phong kiến, rồi xu hướng dân chủ tư sản đều đi vào ngõ cụt. Nguyễn Tất Thành ra đi với một khát vọng tìm con đường cứu nước mới, đủ soi đường giúp đồng bào ta giành lại độc lập, tự do. Chỉ sau hơn 3 tháng trở về Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5 năm 1941), quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược.
Việc quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh là thể hiện tầm tư duy vận dụng lý luận cách mạng một cách sáng tạo về bạo lực cách mạng vào hoàn cảnh lịch sử và điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Tôn chỉ, mục đích của Mặt trận Việt Minh là chấp nhận mọi giai tầng xã hội tham gia, miễn là đồng tình theo đuổi mục tiêu độc lập dân tộc. Đây là một cơ chế chính trị rộng mở nhất, khác với những hình thức mặt trận đã ra đời trước đó, hoàn toàn có khả năng xóa bỏ những rào cản, những hố sâu ngăn cách bởi ý thức hệ chính trị nặng về giai cấp, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, trước hết.
Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khảng khái: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Ngày 19-12-1946, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu là nô lệ”. Ngày 17-7-1966, trong Lời kêu gọi toàn quốc chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.
Và trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Xâu chuỗi cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều toát lên tư tưởng nhất quán độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào.
Hiện thực hóa khát vọng dân tộc hùng cường
Suốt chiều dài lịch sử, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội vốn là nơi lắng sâu hồn thiêng sông núi. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hà Nội nổ ra tổng khởi nghĩa và giành chính quyền mau lẹ, tạo khí thế lan tỏa toàn quốc, nơi đây được đón lãnh tụ Hồ Chí Minh, lắng nghe Tuyên ngôn độc lập. Trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc, Hà Nội cũng là nơi diễn ra tuần lễ vàng sôi nổi. Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội đã thể hiện tinh thần quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, cầm chân địch để Trung ương Đảng rút về căn cứ địa Việt Bắc. Ngay khi từ Việt Bắc về lại Thủ đô, Người đã truyền dạy và kỳ vọng: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.
Bước vào thời kỳ đất nước đẩy mạnh công cuộc đổi mới đồng bộ, toàn diện, Thủ đô Hà Nội tiếp tục thể hiện tầm nhìn mới, khát vọng mới. Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định: “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ chính trị cũng đã chỉ rõ: Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội”.
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, Thủ đô Hà Nội đã đạt nhiều thành quả quan trọng, góp phần đáng kể vào thắng lợi chung của đất nước. Kinh tế tiếp tục ở tốp dẫn đầu tăng trưởng của cả nước, văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc. Thủ đô Hà Nội thực sự là biểu tượng của hòa bình, thân thiện, kết tinh văn hóa vùng miền, khu vực và quốc tế.
Diện mạo, tầm vóc Thủ đô có được như ngày hôm nay, trước hết là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ. Điều quan trọng nhất là Thủ đô Hà Nội luôn thấm nhuần tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng trở thành Thủ đô “rồng bay cao” giữa bầu trời xanh lịch sử dân tộc và thời đại.