Nga nhận được khoảng 30 sáng kiến hòa bình cho khủng hoảng Ukraine
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã đánh giá cao sự chân thành trong nỗ lực của các nước châu Phi nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho biết Nga đã nhận được khoảng 30 sáng kiến hòa bình để giải quyết vấn đề ở Ukraine thông qua các kênh chính thức và không chính thức.
"Chúng tôi rất biết ơn tất cả mọi người. Có rất nhiều sáng kiến như vậy. Theo tôi được biết, một tháng trước đã có khoảng 30 sáng kiến được đề xuất thông qua các kênh nhà nước hoặc thậm chí theo một cách riêng tư nào đó", nhà ngoại giao trên lưu ý.
Bà Zakharova nhấn mạnh Điện Kremlin chưa bao giờ từ chối đàm phán về vấn đề giải quyết xung đột Ukraine.
"Ngay cả khi chúng tôi biết rằng các đàm phán khó có thể mang lại giá trị, nhưng chúng tôi luôn tạo cơ hội như vậy cho các đối tác hay tình hình nói chung", bà Zakharova giải thích.
Tuy nhiên, như nữ phát ngôn viên đã chỉ ra, vào tháng 4-2022, chính phủ Kiev đã rút khỏi các cuộc đàm phán với Nga. Đến tháng 9-2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hạ lệnh cấm đàm phán với chính phủ Nga.
Phát biểu về Sáng kiến Hòa bình châu Phi tại Ukraine, bà Zakharova đã chỉ ra sự chân thành trong nỗ lực của các nước châu Phi nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng này.
"Chúng tôi vô cùng biết ơn những người bạn châu Phi vì họ thực sự - không phải bằng lời nói mà bằng hành động - coi trọng hòa bình và muốn làm mọi thứ trong khả năng của mình, ngay cả khi không tham gia vào xung đột”, bà Zakharova nêu rõ.
Tháng 6 vừa qua, các nước châu Phi đã trình bày Sáng kiến Hòa bình châu Phi gồm 10 điểm chính. Sáng kiến này kêu gọi các bên đạt được hòa bình thông qua đàm phán càng sớm càng tốt, cũng như giảm leo thang xung đột, đảm bảo chủ quyền của các quốc gia và dân tộc theo Hiến chương Liên hợp quốc, cùng với việc đảm bảo an ninh cho tất cả các quốc gia. Bên cạnh đó là tổ chức cung cấp thực phẩm và phân bón cho cả Mátxcơva và Kiev. Một điểm riêng của kế hoạch là kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn với các nước châu Phi.
Kế hoạch này được đề xuất bởi một phái đoàn gồm 7 quốc gia châu Phi đến thăm Kiev và St. Petersburg vào ngày 16, 17-6, nơi họ đã hội đàm với Tổng thống Ukraine và người đồng cấp Nga. Phái đoàn khi đó bao gồm tổng thống các nước Zambia, Comoro (nay là chủ tịch Liên minh châu Phi), Senegal, Nam Phi, Thủ tướng Ai Cập và đại diện của Cộng hòa Congo và Uganda.
Lập trường của Nga về hòa bình đã được vạch ra trong các cuộc đàm phán ở Belarus, và sau đó là các cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 2 - tháng 4-2022. Nga muốn Ukraine duy trì tình trạng trung lập, không gia nhập các khối quân sự hay liên minh nào, cũng như từ chối sở hữu kho vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Nga đặt mục tiêu phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa Ukraine, giải quyết vấn đề ngôn ngữ, cũng như công nhận nền độc lập của Donetsk và Lugansk, đồng thời công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea và Sevastopol. Tuy nhiên, đến cuối tháng 4, các cuộc đàm phán bị đình trệ.
Về phần mình, tháng 11-2022, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đưa ra kế hoạch hòa bình mà Ukraine coi là giải pháp lâu dài khả thi duy nhất. Kế hoạch này gồm 10 bước.
Theo ông Zelensky, Nga phải rút lực lượng khỏi Ukraine, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và trao đổi tất cả tù binh. Kiev phải được đảm bảo an ninh quân sự, hạt nhân, lương thực, sinh học và năng lượng thông qua các cơ chế quốc tế. Ngoài ra, Ukraine muốn Nga phải chi trả mọi thiệt hại do chiến tranh gây ra.