Văn hóa

Văn học, nghệ thuật Thủ đô: Hợp dòng tỏa rạng, vươn xa

An Nhi 30/07/2023 - 07:00

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, Thủ đô rộng lớn đã ôm trọn trong mình thế mạnh của hai vùng văn hóa lớn là Thăng Long và Xứ Đoài, cùng một số vùng phụ cận.

Với bản chất luôn gắn bó, kết nối để tìm tòi sáng tạo, văn nghệ sĩ của hai vùng văn hóa lớn đã nhanh chóng hợp thành một dòng chảy, ngày một mạnh mẽ, chung sức sáng tạo nên những tác phẩm phong phú, đa dạng, nhiều chiều, đưa văn học, nghệ thuật Thủ đô tỏa rạng, vươn xa.

bieudien.jpg
Các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân nhân kỷ niệm 15 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô tại huyện Thường Tín.

Mạnh mẽ, đa dạng, đặc sắc

Cũng như những ngành, lĩnh vực khác, khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, các văn nghệ sĩ Hà Tây và một số vùng phụ cận gia nhập phong trào chung của văn nghệ sĩ Thủ đô, tạo nên một lực lượng sáng tác văn học, nghệ thuật lớn mạnh và ngày càng phát triển, đến nay đã lên tới 4.400 hội viên và nhiều người sáng tác mới. Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cho biết, 15 năm qua, văn nghệ sĩ của hai vùng văn hóa lớn là Thăng Long và Xứ Đoài được hưởng thụ nhiều lợi ích. Họ được tiếp cận với tri thức, phương pháp sáng tạo của vùng trung tâm để cùng học hỏi, tiếp thu tinh hoa văn hóa, văn học, nghệ thuật mà vận dụng vào sáng tác. Các văn nghệ sĩ đất Thăng Long cũng được mở rộng tiếp xúc với vùng văn hóa Xứ Đoài, Sơn Nam Thượng để có nhiều cảm hứng sáng tác mới.

Nhiều tác phẩm chất lượng được vinh danh, tiêu biểu ở lĩnh vực văn học là tập truyện “Thành phố đi vắng”, tập di cảo “Có một phố vừa đi qua phố”, tiểu thuyết “Cửa hiệu giặt là”, “Nhặt lời cho bóng lá”, “Trăng vàng ngồi vớt trăng vàng”… Sân khấu có vở chèo “Quan lớn về làng”, “Nữ tướng Mê Linh”; kịch “Những mặt người thấp thoáng”, “Mảnh đất lắm người nhiều ma”... Điện ảnh có phim tài liệu “Có một người như thế ở Hà Nội”, phim truyện “Hoa nhài”, phim “Lang thang như đám mây trời”… Âm nhạc có ca khúc “Ngày gặp gỡ”, “Đêm mưa Hà Nội”, “Hà Nội thu rồi khóe mắt lá răm”... Nhiếp ảnh có tác phẩm “Dưới bóng đa làng” hay mỹ thuật có tác phẩm “Giấc mơ Long Biên”, “Hà Nội cây cầu mới”… Lĩnh vực văn nghệ dân gian có công trình “Làng ven đô và sự biến đổi văn hóa”, “Tục lệ lạ Thăng Long - Hà Nội”…

Sự hòa chung trong hoạt động văn học, nghệ thuật những năm qua đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, đem lại cho công chúng nhiều sản phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng. Đặc biệt, nhờ sự chắt lọc, sáng tạo của văn nghệ sĩ Thủ đô mà những yếu tố văn hóa đặc sắc của các vùng vẫn được gìn giữ và phát huy thế mạnh trong quá trình hội nhập văn hóa quốc tế...

Nâng tầm vóc văn học, nghệ thuật Thủ đô

Dẫn câu ca dao mới xuất hiện từ đầu thế kỷ trước: “Một vùng trời đất gấm hoa/Nhìn vào quê lụa, nhìn ra Kinh kỳ/Ngàn năm văn vật đâu bì/Hà Tây, Hà Nội đi về có nhau!”, nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng, đã từ nhiều năm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ của Hà Nội và Hà Tây (cũ) có sự giao thoa, tương tác tinh tế và hài hòa. Nhưng khi chính thức hợp thành một dòng chảy, văn học, nghệ thuật Thủ đô càng trở nên mạnh mẽ, đậm bản sắc, năng động hơn.

Cùng quan điểm, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng (Ban Báo Thời nay - Báo Nhân Dân) cho rằng, ý nghĩa và tiến trình hòa nhập của hai địa bàn hành chính, cũng là đại diện cho những vùng văn hóa có bề dày, là sự đánh thức, mời gọi đội ngũ người làm nghề quan tâm đến những vùng đất, địa bàn, không gian văn hóa mà trước kia còn ít, hoặc chưa có điều kiện tìm hiểu, trải nghiệm và sáng tác.

Để tiếp tục khai thác, nâng tầm văn học, nghệ thuật Thủ đô từ nguồn chất liệu dồi dào của Hà Nội mở rộng, theo nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, bên cạnh việc mỗi văn nghệ sĩ phát huy sức lực, tinh thần khám phá, trải nghiệm để đưa vào tác phẩm, thì rất cần những “xúc tác” của chính quyền thành phố, các địa phương, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội và các hội chuyên ngành. Cụ thể, thành phố cần tổ chức nhiều cuộc thi, vận động sáng tác về Hà Nội; các hoạt động trải nghiệm, thực tế tại nhiều địa bàn, vùng; xây dựng trại sáng tác...

Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm khẳng định, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính tạo nên tầm cao mới cho tất cả các lĩnh vực, trong đó có văn học, nghệ thuật. Song, tuy phát triển đa dạng, phong phú nhưng văn học, nghệ thuật Thủ đô vẫn còn thiếu vắng những tác phẩm lớn. Thời gian tới, Hội Liên hiệp sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để các hội chuyên ngành, hội viên thực hiện các đề án, dự án văn học, nghệ thuật giá trị như “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống sân khấu Thủ đô”, “Làng nghề và diễn xướng dân gian Hà Nội xưa và nay”, “Liên hoan phim ngắn Hà Nội”, “Bảo tồn múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội”, “Ngày thơ Thăng Long - Hà Nội”, “Dấu ấn kiến trúc Hà Nội sau đổi mới”…