Thế giới

Nga ủng hộ tăng cường hiện diện của châu Phi tại Liên hợp quốc

Thương Nguyệt 29/07/2023 - 08:36

Tại phiên họp toàn thể của Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai ở thành phố St. Petersburg (Nga), Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Mátxcơva kêu gọi mở rộng sự hiện diện của các quốc gia châu Phi tại các cơ quan của Liên hợp quốc (UN).

putin.png
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi.

Tổng thống Vladimir Putin nêu rõ, Nga chắc chắn chia sẻ mong muốn của các quốc gia châu Phi trong nỗ lực đóng một vai trò lớn hơn đối với các hoạt động của UN.

Người đứng đầu nước Nga nhận định, Liên minh châu Phi (AU) có quan điểm tích cực về vấn đề này và Mátxcơva sẵn sàng xem xét các đề xuất nhằm tăng cường sự hiện diện của các quốc gia châu Phi tại các cơ quan của UN, bao gồm cả về đề xuất cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC).

Tổng thống Vladimir Putin cũng nhấn mạnh thẩm quyền ngày càng tăng của các tổ chức thuộc khu vực châu Phi, trong đó có AU đại diện cho quan điểm và nguyện vọng của khu vực rộng lớn hơn. Nga đã tích cực ủng hộ sáng kiến ​​đưa AU gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi và hàng đầu thế giới (G20). Đây sẽ là một quyết định đúng đắn, phản ánh thực tế và sự cân bằng quyền lực trong thế giới hiện nay.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Putin đề cập đến sáng kiến ​​xây dựng sự hợp tác giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) và Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) nhằm thảo luận về khả năng liên kết các quá trình hội nhập giữa hai bên.

Theo AP, về Sáng kiến Ngũ cốc Biển đen, Tổng thống Putin tái khẳng định cam kết Nga sẽ duy trì nguồn cung ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp cho châu Phi. Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, Eritrea và Cộng hòa Trung Phi, mỗi quốc gia sẽ nhận từ 25.000 đến 50.000 tấn ngũ cốc của Nga trong 3-4 tháng tới.

Nga có kế hoạch mở rộng quan hệ thương mại và kinh tế với châu Phi, đồng thời tiếp tục nỗ lực giảm bớt gánh nặng nợ nần bằng cách xóa khoản nợ trị giá 90 triệu USD. Mátxcơva cũng sẵn sàng tăng cường quan hệ quốc phòng với các quốc gia châu Phi thông qua hoạt động hỗ trợ huấn luyện quân đội và mở rộng nguồn cung thiết bị quân sự.