“Hoa” của nắng
Tấm gương bước qua biến cố, nỗi đau để sống một cuộc sống thật ý nghĩa của chị Dương Thanh Hiền (sinh năm 1986), hội viên Hội Người mù quận Hoàng Mai được nhiều người ví như "hoa" của nắng.
Vì dưới nắng, những bông hoa có sức sống mãnh liệt sẽ nở rực rỡ nhất, lung linh nhất, cũng giống như chị Hiền đã phát huy sức mạnh nội lực của bản thân, để tạo nên “phiên bản” tốt nhất của chính mình; đồng thời lan tỏa lối sống tích cực cho những người đồng cảnh.
Vượt qua biến cố
Phóng viên Báo Hànộimới gặp chị Dương Thanh Hiền vào một ngày mùa hè năm 2023 đầy nắng. Đúng như hình ảnh “hoa” của nắng mà nhiều người ví von, trò chuyện với chúng tôi là một người phụ nữ khiếm thị tràn đầy năng lượng, giàu nhiệt huyết và tình yêu cuộc sống. Sau những lời chào hỏi thân thiện, chị Hiền chia sẻ về cuộc đời mình. Chị hồi tưởng lại những năm tháng thanh xuân với niềm vui lấp lánh.
Ngày ấy, như bao người bình thường khác, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào năm 2008, Hiền trở thành giáo viên dạy tiểu học tại Trường Tiểu học song ngữ Brendon (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân). Khi sự nghiệp gieo chữ, trồng người đang tiến triển thuận lợi, tương lai rộng mở, thì vào năm 2014, trên đường từ trường trở về nhà (ngõ 200, phố Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai), cô giáo Dương Thanh Hiền không may bị tai nạn giao thông. Những tổn thương nghiêm trọng từ vụ tai nạn biến cô giáo trẻ từ người bình thường trở thành người khiếm thị.
“Lúc mới tỉnh lại sau những ngày hôn mê, tôi vẫn cảm nhận rõ âm thanh xung quanh, nhưng hình ảnh chỉ còn là những nét mờ, đứt giữa không gian đen đặc, ở phía xa xa, mà tôi cố với theo cũng không thể chạm tới. Khi cơ bản hồi phục về sức khỏe, cũng là lúc tôi phải chấp nhận sự thật là ánh sáng từ đôi mắt không còn nữa”, chị Hiền nhớ lại.
Trong thời gian đầu sống cuộc sống của người khiếm thị, tâm lý khó tránh khỏi với chị Hiền là sự hỗn loạn về cảm xúc, rối bời về suy nghĩ, hoảng sợ mỗi khi đêm về. Cứ thế, sau chuỗi ngày giằng xé tâm lý, sau những cuộc độc thoại nội tâm, chị Hiền dần nhận ra, khiếm khuyết về thân thể không đáng sợ, khiếm khuyết về tâm hồn mới thực sự đáng lo. Để bản thân không bị khiếm khuyết về tâm hồn, chị đã nỗ lực vượt qua biến cố với niềm tin: “Ngày mai chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm qua”.
Bước qua bóng tối từ đôi mắt để tìm đến ánh sáng từ tri thức, niềm tin, Dương Thanh Hiền dần tìm lại được chính mình. Năm 2016, chị bắt đầu học nghề, từ những nghề giản đơn như gieo mầm đậu nành, bán hàng phần mềm toán tiểu học qua điện thoại (telesales), rồi làm nhân viên bán hàng trực tiếp cho tiệm bánh, học làm giáo viên dạy Yoga… Tất cả những công việc này tuy mang lại cho Dương Thanh Hiền nguồn thu nhập, nhưng chị vẫn chưa tìm ra “chìa khóa” để mở cánh cửa bước vào tương lai tốt đẹp hơn.
Với mong muốn học hỏi kinh nghiệm vươn lên từ những người đồng cảnh, năm 2017, chị Dương Thanh Hiền tham gia sinh hoạt tại Hội Người mù quận Hoàng Mai. Trở thành hội viên năng động, tích cực, chị Hiền được cử tham gia khóa học làm giáo viên dạy chữ nổi và giáo viên dạy tin học tại một trung tâm đào tạo và phục hồi chức năng dành cho người khiếm thị.
“Đúng như kỳ vọng, chị Dương Thanh Hiền hoàn thành các khóa đào tạo với thành tích xuất sắc. Kết quả này không chỉ giúp cá nhân Hiền có cơ hội viết tiếp ước mơ đứng trên bục giảng, mà còn góp phần động viên, khích lệ các hội viên trẻ tích cực học tập”, Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàng Mai Vũ Thủy đánh giá.
Bước tiếp về phía mặt trời
Biết chữ nổi, sử dụng thành thạo máy vi tính, điện thoại thông minh cùng nhiều kỹ năng khác, chị Dương Thanh Hiền trở thành người khiếm thị “đa năng”.
Chị Hiền cho biết: “Gắn với hình ảnh hoa của nắng, tất nhiên tôi là người luôn đi về phía mặt trời, về những điều tốt đẹp. Nhưng tôi cũng hiểu được rằng, hoa dưới nắng sẽ rất dễ héo, nhanh tàn, nếu bản thân nó không đủ khả năng tự tỏa hương thơm ngát, nếu thiếu đi sự chăm sóc thường xuyên, nếu không có môi trường phù hợp… Thế nên, tôi luôn nỗ lực, cẩn trọng thực hiện từng việc nhỏ với sự đồng hành của gia đình, sự động viên, giúp đỡ của các cấp Hội Người mù thành phố Hà Nội cùng những người xung quanh”.
Để có nguồn thu nhập trang trải cho cuộc sống, năm 2018, chị Dương Thanh Hiền mở cơ sở điều trị tác động cột sống tại nhà ở ngõ 200, đường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai). Đây là một trong những phương pháp hỗ trợ chữa bệnh không dùng thuốc, kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền, được nhiều người lựa chọn khi điều trị các bệnh liên quan đến cột sống. Nhờ sự nghiêm túc trong công việc, luôn lắng nghe bệnh nhân để có biện pháp chữa bệnh phù hợp cho từng người, cơ sở điều trị tác động cột sống do người phụ nữ khiếm thị làm chủ ngày càng được nhiều người biết đến, tin tưởng sử dụng dịch vụ.
Bà Dương Thị Luyến, một trong những khách hàng điều trị tác động cột sống lâu năm tại cơ sở của chị Hiền cho hay: “Dù không sáng mắt, nhưng Hiền rất sáng lòng. Bệnh nhân đến đây vừa được điều trị các bệnh liên quan đến cột sống, vừa được động viên, khích lệ tinh thần, nên ai cũng vui vẻ, nỗ lực chữa bệnh”.
Ngoài những công việc trực tiếp, khi sử dụng mạng xã hội để giao tiếp, tìm hiểu thông tin, chị Dương Thanh Hiền “nhìn thấy” cơ hội kinh doanh trực tuyến (online). Sau khi tự nghiên cứu, phân tích thị trường, chị Hiền quyết định thử sức trên lĩnh vực mới bằng việc kinh doanh các sản phẩm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe đến từ thiên nhiên.
Như bao người kinh doanh online khác, chị Hiền tìm hướng xây dựng, khẳng định thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm và khai thác đối tượng khách hàng tiềm năng dựa trên uy tín của bản thân. Kiên trì từng bước một, việc kinh doanh online không chỉ mang đến cho chị Hiền nguồn thu nhập, mà còn giúp chị tăng khả năng giao tiếp, tự tin hòa nhập xã hội.
Khi vơi dần nỗi lo “cơm, áo”, chị Hiền dành thời gian nhiều hơn cho các hoạt động xã hội, cộng đồng. Vốn “sở hữu” khả năng cảm thụ văn chương qua lăng kính lãng mạn, chị Hiền đọc nhiều sách, viết nhiều bài tham gia những cuộc thi dành cho người khiếm thị. Trong đó, tác phẩm “Bình minh trong tôi” xuất sắc vượt qua hàng trăm bài thi, giành Giải A cuộc thi “Sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật cho cuộc vận động hai vượt, bốn rèn, năm phấn đấu” do Hội Người mù thành phố Hà Nội phát động vào đầu năm 2023.
Điều tuyệt vời khác đã đến là từ khi “bén duyên” với Câu lạc bộ Khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội SOLAR vào năm 2021, chị Dương Thanh Hiền có cơ hội tỏa sáng trên sân khấu.
“Khiêu vũ thể thao tưởng chừng là một môn nghệ thuật bất khả thi đối với người khiếm thị, nhưng không phải thế. Khi tôi tự tin bước qua những giới hạn của bản thân và nỗ lực hết mình với nó, tôi đã nhận về những trái ngọt. Trong 2 mùa thử sức với cuộc thi “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách - PASS” do Hội Người mù thành phố Hà Nội tổ chức, tôi may mắn đạt 7 Huy chương vàng, 3 Huy chương bạc, 4 Huy chương đồng cho giải cá nhân và một Huy chương vàng cho giải đồng diễn tập thể của Hội Người mù quận Hoàng Mai”, chị Hiền cho hay.
Chia sẻ về người bạn cùng sải bước trên sàn khiêu vũ, anh Lê Tuấn Hà, thành viên Câu lạc bộ Khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội SOLAR nói: “Tinh thần thắng không kiêu, bại không nản của Dương Thanh Hiền khiến bất kỳ ai chứng kiến đều nể phục. Năng lượng tích cực từ Thanh Hiền lan tỏa ra những người xung quanh, giúp chúng tôi có thêm động lực, quyết tâm chinh phục những mục tiêu cao hơn với môn khiêu vũ thể thao”.
Với niềm đam mê xuyên suốt, mãnh liệt là trở lại bục giảng, chị Dương Thanh Hiền chưa lúc nào ngừng nuôi dưỡng hy vọng. Chị thường xuyên học tập, trau dồi các kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm để sẵn sàng trở lại công việc cũ khi cơ hội đến. Không phụ công người luôn bước về phía mặt trời, năm 2022, chị Hiền được một tổ chức xã hội mời làm giảng viên của lớp dạy kỹ năng nấu ăn cơ bản cho sinh viên khiếm thị Hà Nội; cùng các thành viên Câu lạc bộ Khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội SOLAR dạy khiêu vũ cho những thành viên mới.
Đáng chú ý, cuối tháng 4-2023, Dương Thanh Hiền trở thành học viên của chương trình tập huấn: “Tăng cường sự tham gia của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử” do Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức. Hoạt động này giúp chị có thêm những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu hơn…
Khép lại câu chuyện với chúng tôi, chị Dương Thanh Hiền mượn lời văn của nhà văn Nguyễn Khải trong truyện ngắn “Mùa lạc” để nhắn nhủ đến những người đồng cảnh: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”.
Đúng vậy, khi có sức mạnh để bước qua những ranh giới, Dương Thanh Hiền đã gặt hái được những thành quả đáng tự hào. Mới đây, chị vinh dự được Hội Người mù thành phố Hà Nội biểu dương là “Người tốt, việc tốt”; được các cơ quan chức năng tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen... Từ đây, nhiều cơ hội mở ra phía trước đối với người phụ nữ giàu nghị lực này.