Nghị quyết và Cuộc sống

Hà Nội linh hoạt phát triển thị trường lao động

Mai Hoa 29/07/2023 - 07:09

Hà Nội đã và đang là điểm sáng trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của các cấp ủy Đảng về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững.

Trong đó có việc triển khai Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025. Những con số đã nói lên điều này. Theo đó, tính đến hết tháng 6-2023, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 113.418 lượt lao động, đạt trên 70% kế hoạch cả năm.

tu-van-tuyen-dung-cho-nguoi.jpg
Tư vấn tuyển dụng cho người lao động tại Phiên giao dịch việc làm quận Tây Hồ năm 2023.

Vượt xa chỉ tiêu đề ra

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho thấy, trong số hơn 113 nghìn lượt lao động được thành phố giải quyết việc làm 6 tháng đầu năm 2023, có 2.300 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, thành phố đã giải quyết việc làm cho 8.805 lao động thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm. Hơn 74 nghìn lao động có được việc làm qua công tác tư vấn, giới thiệu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm trên địa bàn thành phố và một số hình thức khác…

Đáng chú ý, có tới 28 nghìn lao động được tạo việc làm từ việc xét duyệt hộ gia đình vay vốn từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, với số tiền khoảng 1.400 tỷ đồng.

Theo Kế hoạch số 21/KH-UBND, ngày 12-1-2023, một mục tiêu trong 6 tháng đầu năm 2023 là phấn đấu từ nguồn vốn cho vay, giải quyết việc làm cho 21.100 lao động, với số tiền 1.265 tỷ đồng. Như vậy, đến nay, giải pháp cho vay vốn để giải quyết việc làm cho người lao động đã vượt xa chỉ tiêu đề ra.

Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm, Sở đã chủ trì, phối hợp cùng các sở, ban, ngành tham mưu trình UBND thành phố ban hành các kế hoạch, quyết định về hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động năm 2023. Đồng thời, Sở tích cực triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động sàn giao dịch việc làm thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”, Đề án “Phát triển quan hệ lao động thành phố giai đoạn 2021-2025”.

Bên cạnh đó, Sở thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động khi bị mất việc làm; triển khai thực hiện chữ ký số trong giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. 6 tháng đầu năm, Sở tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 40,1 nghìn trường hợp với số tiền trợ cấp là 1.079 tỷ đồng. Nhưng cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở tích cực tư vấn tìm việc làm cho 41 nghìn trường hợp; hỗ trợ học nghề cho 574 trường hợp, số tiền hỗ trợ học nghề là 2,55 tỷ đồng.

Đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động

Trong 6 tháng cuối năm 2023, để hoàn thành tốt việc giải quyết việc làm theo mục tiêu mà Chương trình số 08-CTr/TU đặt ra là “Phát triển thị trường lao động cạnh tranh lành mạnh, đồng bộ, hiện đại và hội nhập; tạo việc làm bền vững, bảo đảm thu nhập tối thiểu…”, giải quyết việc làm cho tối thiểu 160 nghìn lượt người/ năm, Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục huy động tối đa các nguồn tín dụng cho hoạt động thúc đẩy tạo việc làm mới linh hoạt, chất lượng cao, bền vững; việc làm xanh; việc làm cho các đối tượng yếu thế.

Để làm tốt nhiệm vụ này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp tục phối hợp với các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội tham mưu cho UBND thành phố bổ sung nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng cần vay vốn, hỗ trợ giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, Sở cũng triển khai nhiều giải pháp thực hiện. Cụ thể là đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trung tâm Dịch vụ việc làm, các sàn giao dịch việc làm đáp ứng yêu cầu hoạt động với vai trò là đầu mối thông tin thị trường lao động, điều phối, hỗ trợ và quản trị thị trường lao động; cung ứng nguồn nhân lực và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận thông tin về thị trường lao động, tham gia vào các hoạt động giao dịch việc làm một cách thuận lợi.

Tiếp đó là rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình, hợp lý về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đa dạng hóa phương thức tổ chức quá trình dạy học; tăng cường liên kết các doanh nghiệp với cơ sở giáo dục, đào tạo nghề.

Công tác nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động sinh sống ở địa bàn huyện nghèo, khó khăn; hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo… cũng được Sở đặc biệt chú trọng nhằm giúp lực lượng này tham gia vào thị trường lao động, có việc làm bền vững. Sở cũng xây dựng chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình đăng ký thành lập và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp để thu hút, sử dụng lao động chính thức, chuyển dần lao động phi chính thức sang lao động chính thức.

Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp, kiên trì thực hiện các giải pháp, thị trường lao động Hà Nội chắc chắn sẽ giữ đà phát triển cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục là điểm sáng trong việc cụ thể hóa, đưa Chương trình số 08-CTr/TU vào cuộc sống một cách hiệu quả.