Bác sĩ tại nhà: Phụ nữ mang bầu nên hạn chế đồ uống ngọt
Hỏi: Việc "bầu bí" mệt mỏi cộng thêm thời tiết oi bức khiến tôi “nghén” ngọt, không thiết ăn uống gì ngoài các loại nước ngọt, trà sữa, chè... Xin hỏi bác sĩ, sản phụ có nên ăn uống nhiều đồ ngọt hay không? Trần Minh Trang (huyện Gia Lâm, Hà Nội)
Đáp: Khi mang thai, sự thay đổi nội tiết tố khiến thói quen ăn uống và khẩu vị của mẹ bầu khác với bình thường. Một số phụ nữ mang thai bị ốm nghén, chán ăn, nghén ngủ, một số người thèm ăn uống đồ ngọt.
Đồ ngọt dễ gây kích thích vị giác, giúp bà bầu có tinh thần thoải mái hơn. Nhiều mẹ bầu chỉ thích ăn uống các loại đồ ngọt, các loại thực phẩm khác không hợp khẩu vị của họ nữa.
Hiện tượng "nghén ngọt" khi mang thai là hết sức bình thường, giúp mẹ bầu có thể ăn uống ngon miệng hơn, bổ sung dinh dưỡng cho mẹ và bé. Tuy nhiên ngoài thức ăn, đồ uống ngọt, nếu không bổ sung cân bằng các dưỡng chất khác hoặc ăn ngọt quá đà thì sẽ gây nhiều tác hại.
Theo kết quả nghiên cứu, trung bình cứ 7 phụ nữ mang thai lại có một người mắc tiểu đường thai kỳ. Đây là tình trạng đường huyết tăng cao trong suốt thời gian mang thai, một phần do tăng tiết insulin để cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng cho thai nhi, một phần do chế độ ăn của mẹ bầu. Đó là lý do tại sao những bà bầu bị nghén đồ ngọt có nguy cơ cao bị tiểu đường thai kỳ.
Việc tiêu thụ quá nhiều đồ ăn ngọt như chè, trà sữa, bánh kẹo... không những gây tiểu đường cho mẹ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Lượng đường dư trong máu mẹ được chuyển qua nhau thai, tiếp tục làm tăng glucose trong máu thai nhi. Kết quả là cơ thể trẻ tăng tiết insulin để chuyển hóa lượng đường lớn này, khiến bé phát triển lớn hơn, có thể gây biến chứng khi sinh nở.
Tiểu đường thai kỳ khiến thai phụ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như sản giật, tiền sản giật, cao huyết áp, sinh non, đa ối... Với thai nhi, tiểu đường thai kỳ làm tăng tỷ lệ rối loạn tăng trưởng, dị tật thai, chết lưu đột ngột, sảy thai...
Bác sĩ Nguyễn Thị Ly
Bệnh viện Đa khoa Medlatec