Hoàn thành “mục tiêu kép” xây dựng nông thôn mới nâng cao trước khi phát triển thành quận
Sau khi HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và 24 phường thuộc quận, 5 huyện được thành phố lựa chọn đang nỗ lực hoàn thiện những chỉ tiêu còn thiếu để hoàn thành “mục tiêu kép”: Trở thành huyện nông thôn mới nâng cao trước khi phát triển thành quận.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận thành phố Hà Nội; Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy cho biết, việc hoàn thành cùng lúc hai mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao và phát triển huyện thành quận sẽ giúp các địa phương bước sang giai đoạn phát triển mới; từng bước mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
- Chủ trương xây dựng 5 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức phát triển thành quận gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đã được thành phố nỗ lực triển khai nhiều năm qua. Qua đó, đã từng bước thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Xin đồng chí cho biết những mục tiêu, nhiệm vụ của chủ trương quan trọng này?
- Ngày 5-5-2022, Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà thành phố Hà Nội cần triển khai thực hiện trong đó có việc: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Nghị quyết cũng đặt mục tiêu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với sông Hồng là trục xanh. Nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hòa, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn kết hợp với phát triển du lịch xanh…
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030… Nghị quyết số 15-NQ/TƯ cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Thủ đô Hà Nội sẽ có thêm 3 đến 5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1 đến 2 huyện phát triển thành quận…
Những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về quy hoạch, phát triển Thủ đô Hà Nội được Bộ Chính trị nêu tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đã xác định rõ những mục tiêu mà thành phố cần triển khai thực hiện nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Triển khai Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, thành phố đã có những bước đi bài bản, khoa học để đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Tại Quyết định số 949-QĐ/TU, ngày 20-4-2021, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã quyết định “Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của thành phố Hà Nội”. Đến ngày 3-3-2023, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND, triển khai thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng 5 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận. Thực hiện kế hoạch của thành phố, UBND các huyện được lựa chọn đã và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án đầu tư, xây dựng các huyện thành quận; hoàn thành việc đạt các tiêu chí thành lập quận, phường.
Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng 5 huyện thành quận theo đúng định hướng của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của thành phố Hà Nội đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các địa phương được lựa chọn rà soát các tiêu chí còn thiếu; gắn việc hoàn thiện các tiêu chí xây dựng huyện thành quận với hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Kết quả, ngày 4-7 vừa qua, HĐND thành phố Hà Nội (khóa XVI) đã thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và 24 phường thuộc quận Đông Anh. Đây là khởi đầu thuận lợi để thực hiện mục tiêu: Phát triển 5 huyện của Thủ đô, trong đó có huyện Đông Anh sớm trở thành quận một cách thực chất, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và giúp người dân được thụ hưởng lợi ích từ quá trình này.
- Thực tế triển khai cho thấy, các địa phương đã hợp nhất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu với tiêu chí phát triển huyện thành quận, xã thành phường để thực hiện. Qua đó từng bước hình thành “phố trong làng”, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại trước khi chính thức trở thành quận của Thủ đô. Đồng chí có thể đánh giá về những kết quả mà các huyện đã đạt được thời gian qua?
- Có thể nói, sau khi thành phố triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, đời sống của người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là 5 huyện đang xây dựng thành quận đã có những đổi thay rõ nét.
Khảo sát tại các huyện Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức cho thấy, diện mạo đô thị đã dần được hình thành. Bên cạnh hệ thống cơ sở hạ tầng “điện, đường, trường, trạm”, các huyện đặc biệt chú ý đến công tác quy hoạch các xã thành phường, huyện thành quận, chủ trương đầu tư các thiết chế văn hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Nhiều địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến việc tạo cảnh quan môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp”, với những con đường có hoa, nhà có số; cải tạo ao, hồ, xây dựng sân chơi, vườn hoa… giúp bộ mặt nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng trở thành một đô thị trong tương lai.
Đặc biệt, trong quá trình triển khai xây dựng huyện thành quận, xã thành phường, các huyện đang phải hoàn thiện những tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị (gồm 25 tiêu chí). Trong đó, tiêu chí về “công trình y tế” phải đáp ứng tiêu chuẩn tương ứng của huyện nông thôn mới trở lên; tiêu chí về “trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia” và tiêu chí “tỷ lệ hộ gia đình thực hiện thu gom xử lý nước thải sinh hoạt bằng biện pháp phù hợp” phải đáp ứng tiêu chuẩn tương ứng của huyện, xã nông thôn mới nâng cao trở lên.
Vì vậy, các huyện đang nỗ lực phát triển thành quận đã hợp nhất hai bộ tiêu chí, gắn việc xây dựng huyện thành quận, xã thành phường với những tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, để triển khai.
Đến nay, huyện Đan Phượng có 100% xã đạt nông thôn mới nâng cao, 12/15 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Gia Lâm có 15/20 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Tại huyện Đông Anh có 12/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Với huyện Hoài Đức, hiện có 7/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Riêng huyện Thanh Trì, có 100% xã đạt nông thôn mới nâng cao.
Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU cũng chỉ đạo các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao trước khi phát triển thành quận. Thành phố tin tưởng, kỳ vọng, việc 5 huyện hoàn thành “mục tiêu kép”: Xây dựng nông thôn mới nâng cao trước và phát triển huyện thành quận sẽ giúp các địa phương bước vào giai đoạn phát triển mới, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
- Đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là 5 địa phương đang xây dựng thành quận đã có những đổi thay rõ nét. Xin đồng chí chia sẻ thêm về những kết quả này?
- Thực tế triển khai chương trình nông thôn mới đã mang lại những bước chuyển mình tích cực về phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn.
Thống kê của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU cho thấy, đời sống của nông dân Thủ đô tiếp tục được cải thiện và nâng cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được chú trọng đầu tư xây dựng, hoàn thiện.
Đến nay, toàn thành phố đã có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 111 xã nông thôn mới nâng cao; 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn thành phố có 2.167 sản phẩm OCOP được công nhận; 1.389 hợp tác xã nông nghiệp; 1.695 trang trại; 321 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 24 quận, huyện, thị xã.
Về nâng cao đời sống nông dân: 6 tháng đầu năm, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 85.784 lao động, đạt 52,9% so với kế hoạch, trong đó giải quyết việc làm cho 24.400 lao động từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 1.350 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn chỉ còn 0,17%. Đặc biệt, tại 5 huyện đang xây dựng thành quận gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì đã không còn hộ nghèo.
Cùng với việc cơ sở hạ tầng kỹ thuật của 5 huyện đang phát triển thành quận đã có những đổi thay rõ nét do phải hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng, cây xanh, cung cấp nước sạch, trường học đạt chuẩn quốc gia, cơ sở y tế… thu nhập bình quân/người tại các địa phương cũng được nâng cao.
Kết quả này cho thấy cách làm bài bản, đúng hướng của các địa phương trong việc triển khai có hiệu quả những chủ trương lớn của thành phố. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giúp người dân được thụ hưởng những lợi ích từ những chủ trương lớn của thành phố.
- Theo kế hoạch của UBND thành phố, hai huyện Đông Anh và Gia Lâm sẽ hoàn thành việc phát triển thành quận vào quý IV -2023; các huyện: Đan Phượng, Thanh Trì, Hoài Đức sẽ hoàn thành trong năm 2025. Xin đồng chí cho biết những công việc mà thành phố và các huyện sẽ triển khai thực hiện nhằm hoàn thành mục tiêu đã đề ra?
- Ngày 30-6-2023, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo các huyện Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức bên cạnh việc thực hiện đề án xây dựng huyện thành quận, cần tập trung đẩy mạnh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao chưa đạt, cơ bản đạt theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy và UBND thành phố. Các huyện cần hoàn thiện hồ sơ huyện nông thôn mới nâng cao trình UBND thành phố trước tháng 9-2023. Riêng huyện Hoài Đức hoàn thiện hồ sơ trong quý I-2024, để bảo đảm thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2025.
Thành phố cũng yêu cầu các huyện đang xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đặc biệt là 5 huyện đang xây dựng thành quận tập trung nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Để thực hiện, các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao thu nhập của người dân khu vực nông thôn, nâng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 95%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,5%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 52,5%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt 93% trở lên.
Thành phố cũng yêu cầu các địa phương giữ vững và phát triển các thôn, làng đạt danh hiệu thôn, làng văn hóa; tỷ lệ gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa; tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia. Phấn đấu nâng tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 90%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn theo quy chuẩn đạt 98%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 100%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải đạt 77%...
Cùng với việc ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và phát triển 5 huyện thành quận, thành phố sẽ tăng cường tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân. Từ đó huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân trong việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của thành phố; chung sức, đồng lòng xây dựng Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, theo đúng mục tiêu mà Bộ Chính trị (khóa XIII) đã nêu tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!