“Lều chõng đi thi…”

Giới trẻ - Ngày đăng : 15:31, 01/07/2005

Sỹ tử" khắp nơi đổ về bến xe Giáp Bát.(HNMĐT) - Dẫu biết rằng trở thành sinh viên đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời lập nghiệp, nhưng đã 12 năm đèn sách, có ai lại không mong được một lần "vượt vũ môn", được có tên trong danh sách dự  tuyển. Học sinh nào cũng vậy, từ học lực giỏi, khá đến trung bình, luôn náo nức trước một mùa thi và trông đợi ngày nhận tin mừng. Bởi vậy thật dễ hiểu khi mà vài ngày nữa mới đến đợt thi đầu tiên, xong Hà Nội đã tràn ngập các "sỹ tử". Phóng viên Hànộimới Điện tử đã đi một vòng quanh các bến xe để ghi nhanh không khí háo hức của "sỹ tử" về "kinh".

Bến xe Giáp Bát đông nghẹt người. Chỉ trong vòng một tiếng mà có tới hơn 30 chuyến xe đổ khách vào bến. Trong đó nhiều nhất phải kể tới xe chất lượng cao biển số 36 và 37, 38 thuộc Thanh Hóa và Hà Tĩnh và Nghệ An. Theo kinh nghiệm của dân xe ôm thì thí sinh dân "36A" từ Thanh Hóa năm nào cũng vậy, chiếm số lượng lớn nhất, đông nhất trong tuyến các tỉnh từ phía Nam ra Hà Nội. Thứ nhì là thí sinh của Nghệ An và thứ ba là Hà Tĩnh. Sau đó mới đến một loạt các tỉnh có lượng thí sinh bằng nhau là Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình…

Còn theo kinh nghiệm của các thí sinh đi thi thì học sinh Thanh Hóa và Nghệ An là những đối thủ đáng "gờm" nhất. Bạn Nguyễn Thái Hòa, từ Ninh Bình lên cho biết: " Thanh Hóa và Nghệ An là những cái nôi đào tạo học sinh giỏi,đặc biệt là các lớp chuyên, tỷ lệ học sinh nơi này đậu đại học rất cao bởi vậy nói họ là đối thủ "nặng ký" là rất đúng". Theo một số phụ huynh là hành khách đi từ Thanh Hóa thì năm nay, giá vé xe chất lượng cao đã tăng lên, khoảng 30 ngàn đồng đến 50 ngàn đồng/vé ( năm ngoái là 25 ngàn đồng).

Hầu hết các xe đều trong tình trạng "quá tải". Thí sinh đông như vậy nhưng cánh xe ôm lại có vẻ không làm ăn được nhiều. Anh Trần Văn Tính, xe ôm ở bến xe cho biết: "năm nay xe buýt tăng chuyến rất nhiều, rộng rãi thoáng mát và có sinh viên tình nguyện chỉ dẫn tận cửa xe nên hành khách chủ yếu là đi xe buýt" .

Thanh niên tình nguyện đón và hướng dẫn các thí sinh về nơi ăn, chốn ở, phương tiện đi lại ngay tại bến xe.

Khắp bến xe, có khoảng 30 sinh viên tình nguyện làm nhiệm vụ. Các bạn chủ yếu đến từ các trường Đại học xây dựng, Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách Khoa. Mặc mầu áo xanh quen thuộc, các bạn nhanh nhẹn làm nhiệm vụ chỉ dẫn xe buýt, tư vấn chỗ trọ, phát tờ rơi "tiếp sức mùa thi", phát bản đồ do Thành đoàn Hà Nội phối hợp cùng Cty Thiên Long in ấn. Bác Trần Thị An, từ Nghệ An đưa con trai đi thi tâm sự: "Bên cạnh việc tập trung kiến thức, các thí sinh và người thân còn băn khoăn lo lắng về nơi an chốn ở, đường đi lối lại, phương tiện di chuyển và địa điểm ăn uống phù hợp. Năm nay, những lo lắng này đã giảm đi đáng kể bởi có các sinh viên tình nguyện".

Theo ước tính, ngày bình thường, bến xe phía Nam có khoảng 200 lượt xe ra vào bến để phục vụ 8.000 lượt hành khách. Song vào thời kỳ cao điểm này, có khoảng 350 xe trả khách và đón khách. Các nhân viên quản lý bến bãi và bảo vệ ở đây làm việc khá cật lực để chủ xe không được tăng giá vé "bắt chẹt" khách và ngăn không cho cánh xe ôm chèo kéo. Nhìn chung, tình hình an ninh trật tự ở đây khá yên ổn và môi trường vệ sinh sạch sẽ.

Thí sinh đi tàu đến Ga Hà Nội dự thi.

Tại ga Hà Nội, những chuyến tàu Bắc-Nam cũng nêm chặt học trò và phụ huynh cùng đi thi.Các "sỹ tử" tay nặng trĩu sách vở. Các bậc phụ huynh thì với linh kỉnh quần áo, chăn màn, thức ăn. Một số bậc phụ huynh cho biết, vé đi tầu từ Thanh Hóa, Vinh phải đặt mua từ nhiều ngày trước đây. Khi đến Hà Nội, họ lo lắng nhất là tìm chỗ trọ đặc biệt là với những người lần đầu tiên đưa con đi thi ở Thủ đô. May mắn cho họ, các sinh viên tình nguyện của Học viện Hành chính Quốc gia rất nhiệt tình.

Danh sách các chỗ trọ đã được ghi đầy đủ cũng như giá cả để phụ huynh tham khảo. Bạn Lê Văn Tú, sinh viên tình nguyện cho biết : “Năm ngoái em và mẹ từ Thanh Hóa ra đi thi lo lắng chỗ trọ nhưng được các bạn sinh viên chỉ dẫn tận tình nên không lạc đường và tìm được chỗ rất yên tâm. Cứ suy từ hòan cảnh của em thì rõ ràng người tư quê ra rất cần giúp đỡ. Bởi vậy, mặc dù đã được nghỉ hè nhưng em vẫn xung phong ở lại để giúp các bạn học sinh".

Nhà ga vào những ngày này thật đông đúc. Anh Trần Trọng Tự, đội bảo vệ trật tự ga Hà Nội cho biết: "Chúng tôi không được nghỉ phép trong thời điểm này, tất cả mọi nhân viên phải tập trung cao độ, làm việc 24/24 để bảo vệ tốt nhất cho hành khách".

Để giảm tải trong mùa thi , từ 1/6, Tcty đường sắt Việt Nam đã phải tổ chức chạy thêm tầu S7, S8 và từ 14/6 đã phải tăng tiếp tầu S9, S10 chạy vào những ngày chẵn âm lịch trong tháng. Nhà ga đã giảm 20% giá vé cho bất cứ thí sinh nào có giấy thông báo dự tuyển đại học.

Hai mẹ con bác Khéo ở Bắc Giang về Hà Nội dự thi.

Bác Chu Thị Khéo đưa con gái từBắc Giang xuống Hà Nội thi vào Học viện Hành chính Quốc gia cho biết : " tầu rất sạch sẽ và không đến nỗi chen chúc, mặc dù đông nhưng tất cả đều có ghế ngồi. Tôi đi mất 2 tiếng thì xuống đến đây, không mệt lắm". Còn cô gái bác, Nguyễn Thị Thu Huyền, đang ôn luyện khối A thì tâm sự: "Có sinh viên tình nguyện giúp đỡ nên mẹ con em không bỡ ngỡ lắm" Chỉ có điều đáng tiếc là hiện nay tại ga vẫn còn tình trạng "cò" vé và "cò" xe ôm. Khá nhiều người từ quê ra là đối tượng để chúng vây lại chèo kéo rất mệt mỏi và phiền toái.

Được biết lực lượng công an khu vực và đội bảo vệ thuộc nhà ga đã ra quân nhiều lần nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.Một nhân viên bảo vệ cho biết: "Bọn "cò" chủ yếu là bị nghiện, chũng bám vào đây để kiếm tiền chụp giật và kiếm ăn nên rất khó dẹp bỏ, có khi chúng dọa của nhân viên nhà ga. Chúng tôi chỉ có thể bảo vệ từ cổng sắt vào bên trong còn toàn bộ ngoài hàng rào đến ngoài đường là chúng lộng hành. Bởi vậy, chúng tôi nhắc nhở người dân không nên chần chừ đứng ngoài đường lâu, tốt nhất nên vào bên trong ga để chờ đợi hoặc mua vé, như thế sẽ an toàn hơn".

Bài ảnh: Tuyết Minh

TUYETMINH