Thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2023: Tăng cả lượng và chất
Những tháng đầu năm 2023, cơ quan thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố đã tập trung nhân lực, vật lực làm tốt công tác xác minh thi hành án, nỗ lực giảm án tồn đọng. Nhờ vậy, kết quả thi hành án đạt cao hơn so với cùng kỳ năm trước cả về số lượng vụ việc và số tiền thi hành.
Hơn 52.296 tỷ đồng thi hành án dân sự
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi cho hay, 6 tháng đầu năm 2023, số việc, số tiền phải thi hành đều tăng so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, lãnh đạo Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự cũng thường xuyên tổ chức các buổi làm việc trực tiếp, trực tuyến với các cơ quan thi hành án để đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án, nhất là việc xử lý tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; hướng dẫn nghiệp vụ.
Nhờ thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp, trong 6 tháng đầu năm, đã thi hành xong tăng cả về vụ việc và tiền. Cụ thể, về việc, thi hành xong 234.426 việc, tăng 32.229 việc (tăng 15,94%); đạt 54% (tăng 4,81%); về tiền, thi hành xong hơn 52.296 tỷ đồng, tăng hơn 17.081 tỷ đồng (tăng 48,51%); đạt 26,29% (tăng 4,45%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đã thi hành xong 900 việc, tăng 185 việc (tăng 25,87%); đạt 36% (tăng 1,39%); về tiền thi hành xong hơn 18.531 tỷ đồng, tăng hơn 9.481 tỷ đồng (tăng 104,76%); đạt 33,37% (tăng 12,18%) so với cùng kỳ năm trước.
Hỗ trợ cơ sở tháo gỡ khó khăn
Là địa phương có số vụ án kinh tế, tham nhũng cần thi hành chiếm đến gần 90% về tiền, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hòa cho biết, mặc dù 6 tháng đầu năm 2023, toàn thành phố đã hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao, song công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát chưa được như mong muốn, do một số vụ việc thi hành án kéo dài. Nhiều trường hợp tổ chức thi hành án vướng mắc về vấn đề pháp lý, tài sản hình thành trong tương lai (dự án Bệnh viện Phú Mỹ - vụ Hứa Thị Phấn giai đoạn 1)…
Theo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, đơn vị sẽ lập kế hoạch cụ thể theo tháng, quý, chấn chỉnh tình trạng “án ngủ”; xây dựng các chuyên đề, cẩm nang trong công tác kê biên, xác minh, xử lý tài sản thi hành án để hạn chế tối đa các vi phạm. Đồng thời, thành lập các tổ kiểm tra, trên cơ sở đó tham mưu UBND thành phố xử lý trường hợp không chấp hành nghiêm bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Hòa cũng thông tin, riêng vụ án đặc biệt phức tạp, với số lượng đương sự lớn như vụ Alibaba, Tổng cục Thi hành án dân sự đã biệt phái 15 cán bộ cơ quan thi hành án các địa phương về Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ. "Để giảm tải công việc, Cục đã có phần mềm thụ lý, chuẩn bị trang thiết bị, nhân lực, chỗ ngồi tại nhà thi đấu quận Gò Vấp để tiếp nhận vụ Alibaba. Tuy nhiên, về điều kiện vật chất thì cần phải có hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị như máy tính, bàn ghế...", ông Nguyễn Văn Hòa nói.
Là địa phương có số lượng án lớn thứ 2 cả nước, để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra từ nay đến cuối năm, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội chỉ đạo các chi cục trực thuộc xây dựng kế hoạch thực hiện các chỉ thị của Thành ủy Hà Nội trong công tác thi hành án; kịp thời báo cáo tiến độ với Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, với mong muốn tăng cường kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm, 30 chi cục thi hành án dân sự đã ký quy chế phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp. Thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục chú trọng công tác chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; thành lập 3 đoàn kiểm tra đôn đốc các chi cục; giao 100% chi cục rà soát án tồn trên 1 năm, tập trung xử lý dứt điểm.
Để tăng tốc thi hành án, hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao từ nay đến cuối năm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho rằng, công tác thi hành án dân sự phải tăng cường theo hướng quyết liệt hơn, sâu sát hơn, hiệu quả hơn. Muốn vậy, toàn hệ thống phải tập trung kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tổ chức thi hành án dân sự có hiệu quả, nhất là các vụ án tồn đọng, vụ việc có điều kiện thi hành nhưng chưa được dứt điểm, vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa được giao tài sản. Cấp trên sẽ thực hiện kiểm tra cấp dưới với nhiều hình thức khác nhau; phối hợp với các cơ quan kiểm sát thực hiện kiểm sát “từ sớm, từ xa”.
Về phía Bộ Tư pháp, cũng đang từng bước tháo gỡ các khó khăn về thể chế. Trước mắt là chỉ đạo, hoàn thiện đề án biên chế tổng thể hệ thống tổ chức thi hành án dân sự giai đoạn 2023-2026; đề xuất chính sách về trình tự, thủ tục đặc thù trong bán đấu giá tài sản thi hành án trong dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi, bổ sung)…