Tăng năng lực kiểm soát dịch bệnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 889/QĐ-TTg (ngày 25-7-2023) về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023-2030”.
Điểm đáng chú ý trong kế hoạch này là xây dựng được các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Với các tiêu chí cụ thể, các vùng an toàn dịch bệnh động vật khi hình thành sẽ đạt các quy định của Việt Nam và hướng đến tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới. Cùng với đó là có 100% trạm kiểm dịch đầu mối giao thông được đầu tư, nâng cấp bảo đảm đúng quy định của pháp luật; 100% động vật đưa vào cơ sở giết mổ tập trung được cơ quan thú y thực hiện kiểm soát giết mổ…
Xét trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật là những vấn đề “sống còn” của ngành chăn nuôi; bởi lâu nay, 2 vấn đề này luôn tồn tại không ít khó khăn, bất cập. Điển hình là ngành chăn nuôi phần lớn vẫn dưới dạng quy mô nhỏ lẻ nên khi có nhu cầu kiểm dịch thì hầu như hồ sơ chưa đáp ứng đầy đủ thủ tục, giấy tờ. Trong khi đó, cả nước hiện vẫn còn hơn 22.000 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, chưa đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Ở các địa phương, cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm cũng chỉ “đếm trên đầu ngón tay” hoặc nếu có thì dễ lâm vào cảnh đìu hiu… Đáng nói hơn, tính đến tháng 5-2023, cả nước mới có 18 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch xây dựng mạng lưới giết mổ động vật theo quy định của Luật Thú y.
Thực tế trên đã gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Vì vậy, Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023-2030, kỳ vọng sẽ từng bước khắc phục các khó khăn, bất cập hiện nay; đồng thời đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững, bảo đảm hiệu quả kinh tế.
Để thực hiện kế hoạch hiệu quả trong thực tế, nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Theo đó, các địa phương cần xác định và thiết lập vùng an toàn dịch bệnh phù hợp với quy hoạch của địa phương và tổ chức thực hiện theo quy định hiện hành cũng như các quy định của Tổ chức Thú y thế giới.
Đồng thời, các địa phương cần khẩn trương rà soát, sớm ban hành kế hoạch và có lộ trình xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14-1-2023. Cùng với đó, đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các cơ quan kiểm dịch thú y bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm dịch động vật, quản lý kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ động vật và truy xuất nguồn gốc gia súc, gia cầm đưa vào giết mổ tại địa phương. Tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực hành tốt các quy định liên quan.