Công nghệ là công cụ mạnh giúp quản lý doanh nghiệp hiệu quả
Chiều 27-7, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme) phối hợp một số đơn vị tổ chức tọa đàm “Sức mạnh kết nối để thành công”. Báo Hànộimới là đơn vị bảo trợ truyền thông cho chương trình.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cho biết: Sau 2 năm gián đoạn các hoạt động bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong năm 2023, Hanoisme đã khởi động lại các hoạt động kết nối giao thương giữa các đơn vị thành viên theo từng nhóm ngành cụ thể như truyền thông, thương mại, dịch vụ, xây lắp, tài chính, sản xuất.
Chương trình cũng luôn được bố trí thời gian dài để các thành viên chủ động tương tác, cung cấp thông tin để trở thành bạn bè, đối tác của nhau trong tương lai; chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức, truyền cảm hứng đến tất cả khách mời có mặt tại sự kiện.
Sau thành công của 2 sự kiện “Sức mạnh kết nối để thành công” số 1 và số 2, chương trình số 3 dành cho khối các doanh nghiệp trong vực đầu tư, sản xuất với chủ đề “Công nghệ 4.0 trong sản xuất - Thời cơ và thách thức với các doanh nghiệp SME”.
Chương trình có sự tham gia của 3 diễn giả: Ông Nguyễn Xuân Phú, Phó Chủ tịch Hanoisme, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sunhouse; ông Đặng Thanh Hưng, Giám đốc trung tâm giải pháp Tập đoàn VNPT và ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc công ty du lịch Bàn chân Việt.
Trả lời cho câu hỏi “Công nghệ 4.0 trong sản xuất đóng vai trò như thế nào đối với các doanh nghiệp?”, ông Đặng Thanh Hưng nêu, các doanh nghiệp nói chung và các thành viên Hanoisme nói riêng đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ nhằm tối ưu hóa quá trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp.
Thời điểm ban đầu, nhiều đơn vị thường lúng túng không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, với mô hình nào. Do đó, ông chia sẻ, chuyển đổi số với các doanh nghiệp luôn gắn với 3 trụ cột chính là con người, quy trình và công nghệ. Nhiều doanh nghiệp rất mong muốn chuyển đổi số nhanh để hiệu quả và tối ưu nhưng lực lượng lao động không đáp ứng được, gây tốn kém, lãng phí.
Với kinh nghiệm ứng dụng công nghệ tại Sunhouse, ông Nguyễn Xuân Phú khẳng định công nghệ là công cụ cực kỳ mạnh giúp các doanh nghiệp quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh, sản xuất cũng như quản trị doanh nghiệp.
“Ví dụ như Sunhouse sản xuất 1.000 mặt hàng, mỗi mặt hàng liên quan đến 100 linh kiện. Nếu không có hệ thống công nghệ quản lý thì sao kiểm soát được vật tư xuất, nhập?! Công nghệ cũng là giải pháp giúp tăng năng suất lao động”, ông Phú nêu.
Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, quá trình chuyển đổi số đi kèm với các ứng dụng công nghệ vẫn là bài toán khó. Chủ doanh nghiệp phải xác định được mục tiêu để có giải pháp, hình thành nền tảng công nghệ thông tin phục vụ quy trình sản xuất.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Duy Nghĩa cho biết, hiện nhiều đơn vị lữ hành rất quan tâm đến chuyển đổi số. Tuy nhiên, ngoài 3 yếu tố cần cân nhắc về con người, quy trình và công nghệ, các doanh nghiệp nên quan tâm tới yếu tố thứ tư là sản phẩm.
“Áp dụng công nghệ 4.0 bắt buộc phải có lựa chọn, áp dụng đúng để không thất thoát tài chính và cả “chảy máu chất xám”. Căn cứ vào sản phẩm đưa ra thị trường cũng như cách thức kinh doanh, doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số mới có thể dẫn đến thành công”, ông Nghĩa nêu.
Cũng tại tọa đàm, ông Phú cũng chia sẻ cởi mở về thành công sau khi Sunhouse “gõ cửa” thị trường Mỹ. Ông cho biết, các doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường này cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và có những bước đi khôn ngoan như ưu tiên các sản phẩm thuộc phân khúc vừa sức, ít người làm và có khác biệt để giảm chi phí marketing và logistics.
Trao đổi thêm về bí quyết chung để vận hành, giúp doanh nghiệp “cất cánh” trong giai đoạn khó khăn hiện nay, ông Nguyễn Xuân Phú nhấn mạnh về vai trò của kết nối giữa các doanh nghiệp giúp mỗi đơn vị có thể học hỏi, giao lưu, ghi nhận thông tin, là cơ sở giải quyết những khó khăn gặp phải.