WHO cập nhật danh sách thuốc thiết yếu
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không đưa các loại thuốc trị béo phì vào danh sách thiết yếu mới nhất nhưng bổ sung thuốc điều trị bệnh Ebola và đa xơ cứng.
Danh sách thuốc thiết yếu của WHO là danh mục những những loại thuốc nên có trong tất cả các hệ thống y tế đang hoạt động. Việc cập nhật danh sách này có ý nghĩa to lớn đối với khả năng tiếp cận thuốc. Đơn cử như quyết định bổ sung thuốc điều trị HIV hồi năm 2002 đã giúp loại thuốc này trở nên phổ biến hơn đối với bệnh nhân AIDS ở các quốc gia nghèo.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, giá cả tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng khiến mọi quốc gia phải đối mặt với những vấn đề ngày càng gia tăng trong việc bảo đảm khả năng tiếp cận nhất quán và công bằng đối với nhiều loại thuốc thiết yếu. Do đó, WHO cam kết hỗ trợ tất cả quốc gia vượt qua những trở ngại này để tăng khả năng tiếp cận một cách công bằng.
Theo Reuters, thuốc trị béo phì lần đầu được đề xuất vào danh sách thuốc thiết yếu của WHO hồi đầu năm 2023, nhưng một hội đồng chuyên gia của WHO khuyến nghị không bổ sung các loại thuốc giảm cân do lợi ích lâm sàng và sự an toàn lâu dài không chắc chắn với nhóm bệnh nhân mắc căn bệnh này. Dù vậy, việc đưa thuốc trị béo phì vào danh sách thiết yếu có thể được đánh giá lại trong tương lai sau khi có thêm nhiều bằng chứng rõ ràng hơn.
Kem chống nắng ngăn ngừa ung thư da, đặc biệt dành cho người bạch tạng, cũng bị các chuyên gia bác bỏ.
Trong danh sách thuốc thiết yếu cập nhật, ba loại thuốc có thể được sử dụng riêng lẻ trong quá trình điều trị bệnh đa xơ cứng lần đầu tiên được bổ sung, gồm Mavenclad, Copaxone và Rituxan/Mabthera. Việc đưa các loại thuốc này vào danh sách sẽ giúp giải quyết nhu cầu quan trọng về sức khỏe cộng đồng và hỗ trợ các nỗ lực vận động toàn cầu nhằm giảm gánh nặng của bệnh đa xơ cứng.
Ngoài ra, hai phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng đối với Ebola cũng được thêm vào danh sách, gồm thuốc Ebanga và Inmazeb. Cùng với đó là các loại thuốc Naltrexone và Acamprosate trong điều trị chứng rối loạn do sử dụng rượu, cũng như thực phẩm trị liệu chứng suy dinh dưỡng nghiêm trọng ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Tổng cộng, 36 loại thuốc đã được thêm vào danh mục thuốc dành cho người lớn và trẻ em, nâng tổng số thuốc cho hai nhóm đối tượng này lần lượt lên mức 502 và 361.