An toàn thực phẩm

Xây dựng thương hiệu “rau gia vị Tiến Thắng”

Anh Thư - Thanh Tuyền 27/07/2023 - 07:09

Trong những năm qua, sản xuất rau gia vị ở thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng (huyện Mê Linh) trở thành một nghề mang lại thu nhập cao cho người dân.

Để ổn định sản xuất và đưa cây rau gia vị vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trong cả nước, huyện Mê Linh đã triển khai nhiều lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất theo hướng an toàn, VietGap và hỗ trợ các hộ dân xây dựng thương hiệu cho cây rau gia vị xã Tiến Thắng.

gioi-thieu-san-pham-rau-gia.jpg
Giới thiệu sản phẩm rau gia vị của thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng (huyện Mê Linh). Ảnh: Nguyễn Tuyền

Trồng rau gia vị cho thu nhập cao

Gia đình chị Nguyễn Thị Oanh - người trồng rau gia vị nhiều năm nay ở thôn Bạch Trữ, chia sẻ: Trước đây, gia đình chị chủ yếu trồng hành lá. Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu thị trường, gia đình trồng nhiều loại rau, như: Tía tô, kinh giới, mùi tàu, húng chó...

Trên diện tích 1 sào đất, gia đình chị trồng luân canh gối vụ các loại rau gia vị và cho thu hoạch quanh năm. Rau đến kỳ thu hoạch được thương lái tới tận nhà thu mua với giá ổn định. Trừ chi phí, bình quân với 1 sào rau, gia đình chị thu được 30-40 triệu đồng/năm.

Gia đình ông Nguyễn Công Quý cũng trồng gần 1ha rau gia vị. Có kinh nghiệm trồng rau nhiều năm nên ông Quý hiểu đặc tính từng mùa, tùy thời tiết mà chọn giống rau phù hợp cũng như chủ động nước tưới trong mùa khô. Ông Quý cho hay: “Trồng cây rau gia vị vất vả, nhưng bù lại cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần cấy lúa. Nhờ trồng rau gia vị, gia đình tôi có thu nhập ổn định, nuôi 4 con ăn học”.

Không chỉ gia đình chị Oanh, ông Quý, mà hầu hết các hộ trồng rau gia vị ở xã Tiến Thắng đều thực hiện tốt khâu vệ sinh, xử lý sâu bệnh và chăm sóc rau bằng thuốc vi sinh nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bạch Trữ (xã Tiến Thắng) Nguyễn Công Đinh cho biết, vùng sản xuất rau gia vị thôn Bạch Trữ được hình thành cách đây 20 năm, bắt đầu với cây hành lá, sau đó người dân mở rộng diện tích và phát triển thêm các cây gia vị khác, như: Tía tô, kinh giới, mùi tàu, húng quế, húng lủi, thì là... Đến nay, toàn thôn có 1.300 hộ dân tham gia trồng rau gia vị với diện tích khoảng 150ha, trong đó có 16ha được cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn. Sản phẩm rau gia vị tiêu thụ chủ yếu thông qua các thương lái. Giá cả có biến động, nhưng thu nhập từ trồng rau gia vị khá ổn định, bình quân đạt 800-900 triệu đồng/ha/năm.

Những năm gần đây, cùng với việc mở rộng diện tích rau gia vị, các thành viên hợp tác xã cũng chú trọng nâng cao chất lượng cây rau trước khi bán ra thị trường. "Hợp tác xã vận động bà con xã viên sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón hóa học và luôn tuân thủ thời gian cách ly an toàn trước khi thu hoạch", ông Nguyễn Công Đinh thông tin.

Xây dựng thương hiệu cho cây rau

Chủ tịch UBND xã Tiến Thắng Nguyễn Văn Đường thông tin, nhờ trồng rau gia vị, đời sống của người dân trong xã ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, để vùng rau phát triển bền vững, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và ngành Nông nghiệp trong việc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, hình thành vùng chuyên canh rau an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường…

Bên cạnh đó, nhằm tạo dựng thương hiệu, đưa rau gia vị trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, UBND xã yêu cầu Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bạch Trữ thường xuyên kiểm tra tình hình sản xuất, tăng cường tư vấn, hướng dẫn người dân cách thức sản xuất theo hướng hữu cơ, gắn với mở rộng thị trường, nâng cao giá trị cho sản phẩm rau gia vị.

Còn theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Tiến Hùng, để phát triển vùng rau gia vị Tiến Thắng, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị hỗ trợ người dân 70% kinh phí mua thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong năm đầu và 50% trong năm thứ hai; lắp đặt thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật và hỗ trợ thu gom, xử lý theo quy định. Cùng với đó, huyện hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất thông qua các lớp tập huấn ngắn hạn về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; hỗ trợ xây dựng mô hình kiểm tra giám sát cộng đồng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trên quy mô 30ha.

Ngoài ra, để rau gia vị của xã Tiến Thắng có chỗ đứng trên thị trường, các phòng, ban chuyên môn của huyện còn hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng an toàn và xây dựng nhãn mác, bao bì sản phẩm, đăng ký thương hiệu OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cho cây rau gia vị. Nhờ đó, xã Tiến Thắng đã có 6 sản phẩm rau gia vị được thành phố đánh giá, phân hạng OCOP và đạt tiêu chuẩn 3 sao, gồm: Mùi tàu, kinh giới, húng chó, húng đỏ, tía tô, rau mùi. Đây là tiền đề quan trọng để rau gia vị của nông dân tiếp cận sâu rộng với hệ thống phân phối, bán lẻ và đến được với người tiêu dùng Thủ đô và cả nước.

Về định hướng phát triển vùng rau gia vị trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, rau gia vị là cây trồng chủ lực của xã Tiến Thắng, cũng là vùng chuyên canh tập trung của huyện Mê Linh. UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật để nâng cao trình độ sản xuất của các hộ dân, hướng đến 100% sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ và VietGap; hỗ trợ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bạch Trữ hoàn thiện bao bì, nhãn mác sản phẩm để thuận tiện đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích… và tiến tới phát triển cây rau gia vị trở thành thương hiệu của xã Tiến Thắng nói riêng, huyện Mê Linh nói chung.