Các vụ đốt kinh Koran tại Thụy Điển và Đan Mạch: Đừng để thành “đám cháy lớn”
Các vụ đốt kinh Koran tại Thụy Điển và Đan Mạch dẫn tới làn sóng biểu tình tại Iraq, Iran, Lebanon đã khoét sâu chia rẽ giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây. Chính phủ một loạt nước Arab đã lên tiếng và có hành động cụ thể để phản đối Stockholm và Copenhagen.
Sự việc đang làm gia tăng những quan ngại về khả năng xảy ra những cuộc tấn công cực đoan nhằm vào các mục tiêu ở châu Âu, cần sớm tìm giải pháp hóa giải, không để biến thành những thảm kịch lớn.
Bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia Arab từ hồi đầu năm, sau khi những người biểu tình cực hữu đốt một cuốn kinh Koran trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm (Thụy Điển) cùng một số vụ việc tương tự diễn ra trong vòng một tháng qua, ngày 25-7, một nhóm các nhà hoạt động chống Hồi giáo đã đốt kinh Koran trước Đại sứ quán Ai Cập và Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Copenhagen (Đan Mạch). Hành vi này như “đổ thêm dầu” vào cơn thịnh nộ đang ngùn ngụt của cộng đồng Hồi giáo thời gian qua, đặc biệt tại Iraq và Iran.
Trong một phản ứng gay gắt, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức lên án mạnh mẽ “các cuộc tấn công liên tục” vào kinh Koran, đồng thời cho rằng, việc chính quyền Đan Mạch cho phép những hành động này diễn ra đồng nghĩa Copenhagen không nhìn thấy mức độ nghiêm trọng của những hậu quả có thể phải gánh chịu.
Đại sứ Thụy Điển và Đan Mạch tại nhiều quốc gia vùng Vịnh, châu Phi đã bị triệu tập để phản đối. Thậm chí, Đại sứ Thụy Điển tại Iraq đã bị Baghdad trục xuất về nước. Iran cũng tuyên bố sẽ không cho phép đại sứ mới của Thụy Điển vào nước này đến khi Thụy Điển có hành động nghiêm túc đối với tình trạng xúc phạm kinh Koran.
Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cho rằng, các vụ đốt kinh Koran tại hai nước châu Âu nói trên đã làm tổn thương tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới, đồng thời kêu gọi có hành động nghiêm khắc đối với thủ phạm. Nhà ngoại giao Iran cũng đề xuất triệu tập cuộc họp khẩn cấp ngoại trưởng của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) để thảo luận về vấn đề này.
Về phía Liên minh châu Âu (EU), Cơ quan Hành động Đối ngoại (EEAS) đã lên án việc đốt kinh Koran và kêu gọi tránh làm leo thang tình hình. EEAS nhấn mạnh rằng, EU coi việc tấn công bất kỳ cuốn sách thánh nào là một “sự khiêu khích”.
Vấn đề tôn giáo giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây luôn là chủ đề nhạy cảm, nhất là trong những năm gần đây khi các phần tử Hồi giáo cực đoan luôn là “cơn ác mộng” đối với sự bình yên của người dân các nước châu Âu.
Đối với phương Tây tự do ngôn luận, tự do tôn giáo - phi tôn giáo đại diện cho những giá trị dân chủ hiện đại. Vì vậy, chính quyền nhiều nước không can thiệp vào hành vi đốt kinh Koran của các cá nhân.
Tuy nhiên, giáo lý của Hồi giáo đặt ra những nguyên tắc rất nghiêm ngặt. Trong đó, kinh Koran là cuốn sách hướng dẫn thiêng liêng được Thượng đế (Allah) truyền cho nhà tiên tri Muhammad thông qua thiên thần Gabriel trong vòng khoảng thời gian 23 năm.
Người Hồi giáo tin đây là lời nói thiên khải cuối cùng của Allah, là nguồn gốc căn bản cho đức tin cũng như hành động của mỗi tín đồ và được coi là kiệt tác hoàn hảo nhất trong văn học Arab cổ điển. Bởi vậy, đốt kinh Koran được xem như hành động báng bổ, xúc phạm đức tin của người Hồi giáo.
Vấn đề ở chỗ, trong một thế giới hội nhập, cộng đồng người Hồi giáo và cộng đồng người dân ở các nước phương Tây không thể tách biệt hoàn toàn. Theo thống kê gần đây nhất, có tới khoảng 19 triệu tín đồ Hồi giáo đang sinh sống và làm việc tại các quốc gia thành viên EU. Điều này đã tạo ra “bài toán” khó cho cả hai phía trong việc lựa chọn giữa tôn trọng tín ngưỡng, niềm tin tôn giáo hay các giá trị dân chủ cốt lõi.
Trong bối cảnh giằng co như vậy, bất kỳ “đốm lửa” nào nhen nhóm cũng có thể bùng phát thành “đám cháy” lớn đe dọa mối quan hệ giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo.
Còn nhớ cách đây hơn 8 năm, ngày 7-1-2015, Tòa soạn Báo Charlie Hebdo ở thủ đô Paris (Pháp) đã phải chứng kiến màn thảm sát kinh hoàng vì xuất bản tranh biếm họa nhà tiên tri Muhammad. Hai kẻ khủng bố người Hồi giáo đã bất ngờ đột nhập, xả súng vào Ban Biên tập đang họp khiến 12 người thiệt mạng. Phương Tây sững sờ trước cuộc tấn công vào báo chí tự do. Vụ việc được ví như “ngày 11-9” của nước Pháp.
Theo các nhà bình luận, trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng hiện nay, nếu các nước EU không nhanh chóng tìm kiếm biện pháp hóa giải thịnh nộ của người Hồi giáo, thảm kịch tương tự tại Charlie Hebdo nhiều khả năng sẽ lặp lại trong thời gian tới.