Xã hội

Hà Nội thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: Truyền lửa tri ân, đền ơn đáp nghĩa

Mai Hoa 27/07/2023 - 06:17

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), hàng loạt hoạt động truyền lửa tri ân, phát huy tinh thần đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng được tổ chức ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong đó, riêng thành phố Hà Nội đã dành tặng 121.215 suất quà tới đối tượng người có công và thân nhân..., với số tiền khoảng 193 tỷ đồng. Với sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người có công, thân nhân người có công với cách mạng ngày càng được mở rộng và mức hỗ trợ ngày càng được tăng lên.

cham-soc-nguoi-co-cong-tai-.jpg
Chăm sóc người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Đỗ Tâm

Quan tâm thiết thực

Sáu tháng đầu năm 2023, kinh phí chi cho công tác ưu đãi người có công với cách mạng của Hà Nội là 1.061 tỷ đồng. Trong đó, thành phố đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho trên 81.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với số tiền 887,5 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần 87 tỷ đồng; chi điều dưỡng người có công 45 tỷ đồng; điều chỉnh mức trợ cấp thờ cúng liệt sĩ đối với 29.870 trường hợp, kinh phí 41,8 tỷ đồng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phối hợp tra cứu, cung cấp thông tin đối với 41 trường hợp liệt sĩ cho các đơn vị quân đội để phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin. Cùng với đó, các quận, huyện, thị xã cũng đã xây dựng và triển khai Kế hoạch tổ chức hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ trên địa bàn, tích cực kêu gọi các tầng lớp nhân dân hưởng ứng cuộc vận động xây dựng, ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của UBND thành phố năm 2023.

Dù chưa hết đợt phát động nhưng nhiều địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu, đặc biệt một số quận, huyện đã vận động được số tiền vượt xa mức thành phố đề ra, như: Thanh Trì, Đông Anh, Thường Tín, Ba Đình, Thanh Xuân, Hà Đông… Tính đến hết tháng 6-2023, thực hiện các chỉ tiêu phong trào Đền ơn đáp nghĩa, toàn thành phố vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 21,4/22,9 tỷ đồng, đạt 93,5% kế hoạch chung.

Đặc biệt, thành phố vận động xã hội hóa cho việc tu sửa, nâng cấp 126/143 nhà ở cho người có công, đạt 88,1% kế hoạch năm, với kinh phí 5,88 tỷ đồng (gồm 54 nhà xây dựng mới, 72 nhà sửa chữa); tặng 735/1.254 sổ tiết kiệm tình nghĩa, đạt 58,6% kế hoạch năm, với kinh phí 2,36 tỷ đồng, trung bình 3,2 triệu đồng/sổ (giá trị sổ tiết kiệm đã tăng 1,1 triệu đồng/sổ so với năm 2022).

Trong tháng 6 và tháng 7, các quận, huyện, thị xã đã và đang phối hợp với các bệnh viện, ban chỉ huy quân sự cấp huyện, các bệnh viện, trung tâm y tế cấp thuốc và tặng quà cho gần 30.000 đối tượng chính sách người có công với cách mạng, với kinh phí dự kiến gần 6 ­tỷ đồng.

Trong tháng 7, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 1.412 hồ sơ đề nghị hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng, kinh phí trên 5,8 tỷ đồng; ban hành quyết định thực hiện chế độ điều dưỡng tập trung đối với 712 lượt đối tượng, kinh phí trên 2,7 tỷ đồng. Đặc biệt, đã có 39 văn bản được thành phố Hà Nội ban hành, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp giải quyết chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố.

lanh-dao-quan-tay-ho-tham-h.jpg
Lãnh đạo quận Tây Hồ thăm hỏi, tặng quà người có công tại phường Tứ Liên.

Phát huy hiệu quả

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Đinh Hồng Phong, một trong những yếu tố quan trọng giúp thành phố Hà Nội thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công là nhờ luôn có những chính sách đặc thù. Cuối năm 2022, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 8-12-2022 quy định một số chính sách đặc thù đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng của thành phố Hà Nội.

Cùng với đó là Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND ngày 8-12-2022 quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm của đại diện các ban liên lạc tù chính trị thành phố Hà Nội và nội dung, mức tặng quà của thành phố tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, Ngày Quốc khánh 2-9, Ngày Quốc tế Thiếu nhi và Tết Trung thu.

Từ đầu năm đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2022/ NĐ-HĐND; tổ chức tập huấn tại các xã, phường, thị trấn về việc triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu người có công để thực hiện giải quyết hồ sơ liên thông trợ cấp mai táng khi người có công từ trần.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, nằm trong chuỗi các hoạt động tri ân hướng tới kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Sở đã tham mưu tổ chức đoàn đại biểu thành phố đi dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ, một số địa danh di tích lịch sử cách mạng và nghĩa trang liệt sĩ quốc gia có nhiều phần mộ liệt sĩ Hà Nội tại Hà Giang, Điện Biên, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang), Tây Ninh, Kon Tum, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, bảo đảm chu đáo, trang trọng và an toàn.

Có thể khẳng định các chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng luôn được thực hiện tốt. Nhờ vậy, đời sống của người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên. Qua đó, thể hiện rõ sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, đoàn thể và nhân dân Thủ đô đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng.