Châu Âu đẩy mạnh công nghiệp bán dẫn
Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã chính thức phê chuẩn Đạo luật Chip EU, kế hoạch tổng thể của khối nhằm mở rộng sản xuất chất bán dẫn, mở đường cho nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào châu Á đối với mặt hàng quan trọng này.
Theo AP, Hội đồng châu Âu (EC) đã ký thông qua Đạo luật Chip EU, huy động 43 tỷ euro (tương đương 47 tỷ USD) từ các quỹ đầu tư công và tư, đồng thời, cho phép các quốc gia thành viên EU hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn của châu lục.
EU sẽ bắt đầu đầu tư lớn vào các cơ sở sản xuất chip mới, với tham vọng tăng gấp đôi tỷ lệ sản xuất chất bán dẫn toàn cầu của khối này lên mức 20% vào năm 2030.
Trước đó, ngày 11-7, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua Đạo luật Chip EU với 587 phiếu thuận và 10 phiếu chống, hướng đến mục tiêu đẩy mạnh chuỗi cung ứng chip bán dẫn của khối. Đây cũng là kế hoạch chiến lược nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ châu Á.
Châu Á chiếm phần lớn sản lượng chất bán dẫn toàn cầu. Vai trò quan trọng này đã được bộc lộ trong thời kỳ đại dịch toàn cầu Covid-19, khi sự gián đoạn chuỗi cung ứng gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất ô tô, điện thoại thông minh, cũng như thiết bị y tế.
Là quốc gia thuộc EU, Đức cũng đã công bố kế hoạch trị giá 20 tỷ euro nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất chất bán dẫn và bảo đảm nguồn cung trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị.
Tập đoàn công nghệ Intel (Mỹ) có kế hoạch đầu tư hơn 30 tỷ euro để phát triển hai nhà máy sản xuất chip ở Đức. Đây cũng là khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay đối với nền kinh tế hàng đầu EU.
GlobalFoundries, công ty thiết kế và sản xuất chất bán dẫn đa quốc gia có trụ sở chính tại Mỹ, đang mở rộng hoạt động tại thành phố Dresden ở Đông Đức. Infineon, nhà sản xuất chip hàng đầu của Đức, cũng đang xây dựng một nhà máy bán dẫn trị giá 5 tỷ euro tại Dresden, dự kiến sẽ đi vào sản xuất năm 2026.