Cháy rừng lan rộng Địa Trung Hải
Theo Guardian, ngày 26-7, 9 quốc gia ở Địa Trung Hải đang đối mặt với nạn cháy rừng khi ngọn lửa lan rộng ở Croatia và Bồ Đào Nha, với hàng nghìn lính cứu hỏa ở châu Âu và Bắc Phi làm việc trong cái nóng khắc nghiệt để ngăn chặn ngọn lửa bùng phát do nhiệt độ cao, điều kiện khô hanh và gió thổi mạnh.
Nhiệt độ cao và mặt đất khô cằn đã gây ra cháy rừng ở các quốc gia cả hai bờ Địa Trung Hải, khiến ít nhất 34 người thiệt mạng ở Algeria, nơi 8.000 lính cứu hỏa đã chiến đấu với ngọn lửa trên khắp miền Bắc khô cằn. Hỏa hoạn đã khiến hơn 1.500 người phải sơ tán. Các nhân chứng mô tả những bức tường lửa đang bùng phát dữ dội “như một ngọn đuốc”, phá hủy nhà cửa và các khu nghỉ dưỡng ven biển, đồng thời, biến những khu rừng rộng lớn thành những vùng đất hoang cháy đen.
Trang tin tức trực tuyến TSA của Algeria dẫn lời Văn phòng Khí tượng Quốc gia cho biết, nhiệt độ đã tăng vọt lên 50C (122F) ở một số vùng. Algeria buộc phải đóng cửa hai cửa khẩu biên giới với nước láng giềng Tunisia, nơi các đám cháy đặc biệt dữ dội ở phía Tây Bắc vùng Tabarka. Hơn 300 người đã được sơ tán khỏi ngôi làng ven biển Melloula bằng thuyền và đường bộ; lính cứu hỏa vẫn đang chiến đấu với lửa tại ba khu vực ở phía: Bizerte, Siliana và Beja.
Cháy rừng cũng bùng phát ở vùng rừng Latakia, phía Tây Bắc Syria. “Các đội cứu hỏa đang nỗ lực để dập tắt đám cháy lớn bùng phát trong rừng ở phía Bắc Latakia nhưng đến nay vẫn chưa được kiểm soát”, hãng thông tấn North Press dẫn nguồn tin lực lượng cứu hỏa cho biết. Italia đã bị ảnh hưởng bởi cả những cơn bão lớn và cháy rừng. Ít nhất bảy người đã thiệt mạng tại quốc gia này sau những cơn bão ở phía Bắc và cháy rừng ở Sicily.
Chủ tịch Vùng Sicily Renato Schifani cho biết, trong cuộc họp diễn ra ngày 26-7 (giờ địa phương), ông sẽ yêu cầu chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho hòn đảo Địa Trung Hải. Lính cứu hỏa trên đảo đã trải qua một đêm chiến đấu với đám cháy rừng. Một đám cháy đã lan nhanh gần đến sân bay Palermo khiến cơ sở này đã phải đóng cửa trong vài giờ hôm thứ ba.
Hy Lạp cũng bị ảnh hưởng nặng nề trong mùa hè này, với việc chính quyền sơ tán hơn 20.000 người trong những ngày gần đây khỏi các ngôi nhà và khu nghỉ dưỡng ở phía Nam của hòn đảo Rhodes.
Theo số liệu từ Bộ Giao thông vận tải Hy Lạp, gần 3.000 khách du lịch đã trở về nhà bằng máy bay hôm 25-7, trong khi các công ty lữ hành đã hủy các chuyến đi sắp tới. Hai phi công cứu hỏa đã thiệt mạng khi chiếc máy bay rơi xuống một sườn đồi gần thị trấn Karystos trên đảo Evia, phía Đông Athens.
Tại Pháp, gần 100 lính cứu hỏa đang sử dụng máy bay trực thăng để khống chế đám cháy rừng ở các thành phố Cagnes-sur-Mer và Villeneuve-Loubet, gần sân bay quốc tế Nice. Tỉnh Bouches-du-Rhone hôm thứ ba đã được đặt trong tình trạng “báo động đỏ”, khi các nhà chức trách nhận thấy “nguy cơ rất cao” xảy ra cháy rừng. Hơn 300 lính cứu hỏa đang chiến đấu để dập tắt đám cháy gần thành phố Arles, cảnh sát cho biết.
Tại Croatia, truyền thông địa phương đưa tin, gió mạnh đến mức máy bay chữa cháy không thể cất cánh. Lính cứu hỏa đã chiến đấu với những đám cháy rừng đang lan rộng ở phía Nam thành phố Dubrovnik của Croatia. Trong khi đó, một đám cháy rừng lan rộng tại trung tâm đảo Gran Canaria của Tây Ban Nha đã buộc chính quyền phải sơ tán hàng trăm người dân, phong tỏa ba con đường và triển khai trực thăng chữa cháy. Antonio Morales, người đứng đầu Hội đồng đảo Gran Canaria, cho biết, khoảng 100 lính cứu hỏa và 9 máy bay đang làm việc để dập tắt ngọn lửa đã thiêu rụi 200ha rừng.
Tại Bồ Đào Nha, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cháy rừng ở châu Âu, hàng trăm lính cứu hỏa đã dập lửa gần địa điểm nghỉ mát nổi tiếng Cascais.
Vụ cháy rừng bắt đầu ở khu vực miền núi của công viên Sintra-Cascais, có diện tích khoảng 145km vuông về phía Tây Lisbon. Thị trưởng của Cascais, Carlos Carreiras, cho biết, những cơn gió giật lên tới 60km/h là thách thức lớn nhất để dập tắt đám cháy. Bồ Đào Nha đang phải đối mặt với hạn hán trên diện rộng, với 90% diện tích đất nước bị ảnh hưởng.