Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng:Mạnh dạn giao quyền cho Thủ đô thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề nghị xem xét cơ chế mạnh dạn giao quyền cho Thủ đô thực hiện các dự án có quy mô trọng điểm quốc gia, dự án liên tỉnh.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội với thành phố Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng trong thời điểm Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô đang tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố; tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Nội dung cuộc làm việc đều là những hành lang pháp lý rất quan trọng để thành phố Hà Nội có điều kiện phát triển bứt phá, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
“Thành phố Hà Nội tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến trao đổi, góp ý của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành trung ương; đặc biệt là tiếp thu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội để tổ chức triển khai thực hiện, hoàn thành các báo cáo; đặc biệt là hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội 3 nội dung có tính chiến lược vào kỳ họp tháng 10 tới gồm: Luật Thủ đô (sửa đổi); Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Thủ đô (sửa đổi), Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, điều quan trọng nhất là Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giao quyền cho Hà Nội, tạo động lực mới cho Thủ đô phát triển.
Ví dụ như giao quyền cho Thủ đô quyết định đầu tư công, các dự án theo hình thức công - tư (PPP), đầu tư các dự án cầu quy mô lớn như các cầu qua sông tại Hà Nội (cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên) có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng (thuộc nhóm dự án trọng điểm quốc gia) hay các cầu liên tỉnh thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương như cầu Ngọc Hồi, cầu Vân Phúc...
“Nếu chờ các bước theo quy trình thủ tục, trình Quốc hội thì sẽ rất lâu; mà nếu giao cho Hà Nội thì chắc chắn thành phố làm được. Thực tế vừa qua, để sớm giải quyết những nhu cầu bức xúc từ thực tiễn, đáp ứng mong mỏi của người dân, thành phố đã chủ động dùng ngân sách địa phương để đầu tư cải tạo quốc lộ 6, làm đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình hay 14km đường Vành đai 3 đoạn qua huyện Đông Anh...”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Cũng theo kiến nghị của đồng chí Đinh Tiến Dũng, đối với nhu cầu xây dựng 10 tuyến đường sắt trên địa bàn Hà Nội, nếu thực hiện theo quy trình, cách thức hiện nay thì sẽ manh mún và kéo dài, nên cần có cơ chế dành riêng cho cả 10 tuyến 1 gói vay ODA, trên cơ sở đó thực hiện đồng bộ, bảo đảm kỹ thuật và thời gian vận hành...
Đối với việc xử lý ô nhiễm môi trường như các sông liên tỉnh, liên vùng cũng cần có cơ chế mạnh dạn giao cho địa phương chủ trì. Ngoài ra, cũng cần xem xét cụ thể việc quy định thời hạn sử dụng chung cư; cơ chế bảo tồn, phát huy các di tích văn hóa lịch sử, các làng nghề, huy động nguồn nhân lực chất lượng cao, xử lý các dự án còn tồn đọng, định mức đơn giá trong các trường hợp đặc biệt...