Nhiều tập đoàn, nhà bán lẻ Hà Lan sẽ đến Việt Nam trực tiếp mua hàng
Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan hôm nay (25-7) cho biết, sắp tới, một đoàn doanh nghiệp Hà Lan hoạt động trong nhiều lĩnh vực sẽ sang Việt Nam tìm kiếm đối tác, thu mua hàng hóa tại Chuỗi sự kiện Kết nối các nhà cung ứng quốc tế (Viet Nam International Sourcing 2023) do Bộ Công Thương tổ chức từ ngày 13-9 đến 15-9 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Dự kiến thành phần đoàn sẽ bao gồm đại diện một số tập đoàn, nhà phân phối, hãng bán lẻ, công ty thương mại trụ sở tại Hà Lan có chi nhánh trải khắp khu vực châu Âu.
Lĩnh vực hoạt động chính của các doanh nghiệp này là nhập khẩu hàng thực phẩm châu Á (đồ khô, đồ đông lạnh), đồ gốm sứ, dụng cụ nhà bếp, bàn ăn. Cùng tham dự với đoàn, sẽ có các doanh nghiệp từ Hiệp hội thủy sản Hà Lan; nhà nhập khẩu và phân phối đồ gỗ ngoại thất cũng như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.
Thành phần đoàn cũng có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh tất cả các mặt hàng nông sản chế biến và phi thực phẩm từ Việt Nam. Sàn thương mại điện tử do doanh nghiệp này vận hành cho đến nay đã có hơn 20 sản phẩm từ Việt Nam đạt tiêu chuẩn EU với các tiêu chí xanh, bền vững, hoạt động thông qua mô hình B2B, được hệ thống siêu thị, cửa hàng, quán ăn, nhà hàng của Hà Lan tin dùng và đặt mua.
Các doanh nghiệp Hà Lan mong muốn sẽ tìm kiếm thêm được nhiều đối tác mua hàng uy tín từ Việt Nam, cũng như thu thập được thêm nhiều thông tin hữu ích về hàng hóa Việt Nam để đa dạng nguồn hàng cho hệ thống phân phối của họ tại thị trường sở tại. Trong thời gian diễn ra Chuỗi sự kiện, các doanh nghiệp này cũng đã lên kế hoạch khảo sát, làm việc với các nhà cung ứng, tham quan quy trình sản xuất các nhà máy.
Từ sau đại dịch Covid-19, xu hướng tiêu dùng tại Hà Lan đã có những sự thay đổi lớn, như thói quen mua sắm trực tuyến, đặc biệt là trong các lĩnh vực như quần áo, giày dép, đồ trang trí nội ngoại thất, hàng tiêu dùng gia đình.
Cùng với đó, xu thế làm việc tại nhà ít nhất 2 ngày trong tuần ngày càng phổ biến đối với các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Xu hướng này dẫn đến việc tiêu dùng thực phẩm tại nhà nhiều hơn ở nhà hàng hay quán ăn.
Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng từ lượng sang “cực chất” ngày càng phổ biến không chỉ tại Hà Lan, trong đó các sản phẩm thực phẩm tốt cho sức khỏe, bao bì có thể tái sử dụng hay thân thiện môi trường là những tiêu chí ưu tiên khi chọn sản phẩm. Xu hướng này tác động trực tiếp đến nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất hàng hóa, yêu cầu về tính tuân thủ của doanh nghiệp sản xuất, lưu thông hàng hóa.