Du lịch

Bài 2: “Bén duyên” nhiều vùng đất mới

Ngọc Thủy - Bạch Thanh 25/07/2023 07:40

Những người luôn đau đáu, tâm huyết với sen Tây Hồ đã mang niềm tin gieo lên những vùng đất mới, để đến hôm nay sen hồ Tây đã “bén duyên”, cắm rễ, sinh trưởng tốt ở nhiều vùng quê ngoại thành trù phú…

cover-w-2.jpg

Hiện không chỉ diện tích trồng sen ở quận Tây Hồ không thể mở rộng, mà cây sinh trưởng trong điều kiện môi trường khó khăn dẫn đến nguy cơ mai một hình ảnh đẹp của sen hồ Tây là khó tránh khỏi. Nhưng may mắn thay, những người luôn đau đáu, tâm huyết với sen Tây Hồ đã mang niềm tin gieo lên những vùng đất mới, để đến hôm nay sen hồ Tây đã “bén duyên”, cắm rễ, sinh trưởng tốt ở nhiều vùng quê ngoại thành trù phú…

tit2-1(1).jpg

Chị Nguyễn Thị Xuân - người phụ nữ làm dâu ở làng Quảng Bá đã hơn hai mươi năm, hằng ngày cùng gia đình chồng, và hiện nay vẫn cùng mẹ chồng gần 90 tuổi duy trì nghề làm chè sen truyền thống chia sẻ với phóng viên Hànộimới: Từ năm 2016 đến nay, chất lượng nước hồ Tây ô nhiễm, khí hậu thay đổi khắc nghiệt, những cơn mưa như axit xối xuống làm thối hết đài sen (còn gọi là gương sen). Những người trồng sen lâu năm ở Quảng Bá đau đáu với nghề, trong đó có gia đình chị, đành tìm đến những vùng đất khác như làng Chèm (phường Thụy Phương), hay Tây Tựu thuộc quận Bắc Từ Liêm, một số vùng đầm ao ở Đông Anh… để tiếp tục thuê đất trồng sen làm chè.

Năm đầu tiên mang những củ sen Bách Diệp lấy từ hồ Tây ươm xuống vùng đất lạ, những người trồng sen mất ngủ nhiều đêm. Vẫn là cách trồng sen truyền thống, tát cạn nước ao đầm từ tháng 12, để mặt ao khô cạn, nứt nẻ rồi bơm dần từng ít nước để các búp non nhô lên thì vãi thuốc chống thối gốc… Và may mắn thay, sen hồ Tây đã thích nghi được với ngôi nhà mới, gieo năm trước, năm sau lên như cắm chông. Gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm từ chục năm trước cũng đã cải tạo hơn chục mẫu đầm ao ở Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm để làm nơi “tái định cư” cho giống sen quý Bách Diệp. Cho đến hôm nay, đây vẫn là nguồn nguyên liệu ổn định để gia đình ông giữ vững “thương hiệu” nhà làm chè sen nhiều nhất làng Quảng Bá.

bai2-sen7.jpg
Đầm sen Bách Diệp của gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm.

Sinh ra trong một gia đình 5 thế hệ sống trên đất Quảng Bá, cũng không rõ cha ông đã làm chè sen từ đời nào để hôm nay con cháu trong gia đình vẫn cùng nhau giữ nghề quý, ông Xiêm hiểu sen Tây Hồ hơn ai hết. Ông chia sẻ, ở nước ta có rất nhiều nơi trồng sen và đã là hoa sen thì ở đâu sen cũng thơm. Nhưng để có được loài sen quý hiếm hàng trăm cánh và đặc biệt thơm ngát, dịu, nhẹ và êm không đâu có thể sánh bằng thì chỉ duy nhất sen Bách Diệp hồ Tây mà thôi.

"Chúng tôi cũng thử nhân giống ở những địa phận quanh hồ Tây nhưng di chuyển dịch lên hay dịch xuống khu vực phường Quảng An, những nơi mà bằng kinh nghiệm lâu năm cho rằng cùng thổ nhưỡng với làng thì hương thơm cũng bị giảm đi chỉ còn 7-8 phần", ông Xiêm nói.

Vận dụng hết mọi kinh nghiệm quý giá cha ông truyền lại cùng kết hợp những phương pháp hiện đại để “chăm” sen Bách Diệp, đến hôm nay, ông Xiêm cũng tạm yên lòng khi thấy hương thơm của sen trồng ở vùng đất mới đã đạt đến 90% như khi còn ở hồ Tây.

bai2-sen8.jpg
Khách nước ngoài học làm chè sen thủ công ở Tây Hồ.

Hiện nay, khu vực trồng sen Bách Diệp của gia đình ông ở Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm chính vụ mỗi ngày cũng thu hoạch được khoảng 5.000 bông, ông dùng để ướp chè chứ không mấy khi bán bông. Với ông, đó là nguồn nguyên liệu quý giá, lỗ lãi gì cũng vẫn giữ để làm nghề. Bởi ông luôn tâm niệm, chè sen Tây Hồ hơn cả một thứ quà, nó thấm đẫm văn hóa của đất kinh kỳ cùng rất nhiều tâm huyết và bí quyết độc đáo của người làng Quảng Bá mà không thể trộn lẫn, không nơi nào có thể sánh được…

Đến hôm nay, ngôi nhà đồng thời là nơi chế biến, giới thiệu chè sen trên phố Quảng Khánh, Tây Hồ của gia đình hằng ngày luôn có nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến để chiêm ngưỡng, tìm hiểu về những bí quyết gia truyền làm nên nét tinh hoa của thứ trà đệ nhất đất kinh kỳ…

tit2-2(1).jpg

Trong đời sống hiện đại, giống sen quý Tây Hồ cũng đã bén duyên ở nhiều vùng đất mới như một sự chuyển dịch tất yếu. Một trong những vùng đất mà sen Tây Hồ dịch chuyển thành công phải kể tới đầm sen Bách Diệp ở huyện Sóc Sơn.

Chị Nguyễn Thanh Tuyền, Phó Giám đốc điều hành, người sáng lập Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn chia sẻ: Nhận thấy tiềm năng, và giá trị lớn từ cây sen, nhất là giống sen Bách Diệp từ hồ Tây, hợp tác xã đã đưa về trồng khảo nghiệm, bảo tồn tại xã Xuân Giang. Ngay vụ đầu tiên, sen hồ Tây đã đơm hoa, bông to, màu hồng đẹp, hương thơm đặc trưng.

Chúng tôi “mừng rơi nước mắt”, bởi nếu có một giống sen mà cắm hoa cũng đẹp, làm dược phẩm, mỹ phẩm cũng tuyệt vời thì phải kể tới giống sen cổ từ Đầm Trị đưa về…

- Chị NGUYỄN THANH TUYỀN -

Với tiềm năng lớn về đất đai, cùng sự năng động, nhạy bén, ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất trà sen, những người nông dân Ứng Hoà cũng đã đưa sen Bách Diệp của hồ Tây về. Sau một thời gian ngắn, những cây sen quý đã thích nghi với miền đất mới, tạo thành vùng nguyên liệu cho trà sen, hứa hẹn sẽ là cây chủ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho vùng đất này.

Chèo thuyền, hái sen trước bình minh một sớm giữa tháng bảy trên đầm sen Bách Diệp ở xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa mới thấy dù là ở Tây Hồ, hay bất kỳ miền quê nào, cây sen yêu đất, yêu người nơi đó, đều cho hương, sắc ở độ mãn khai. Cả một vùng sen rộng hàng héc-ta thơm ngát trong sương sớm, ai nấy cũng đều cảm thấy khoan khoái, thư thái, giữa mênh mông của trời đất, chỉ có hương thơm của sen, làng quê Ứng Hòa như đẹp hơn, trong lành hơn.

bai2-sen10.jpg
Vùng nguyên liệu “triệu đô” cho trà sen ở Ứng Hòa.

Để có đầm sen đẹp như hôm nay, anh Đặng Văn Được, chủ nhân của đầm sen Bách Diệp, cũng là Phó Giám đốc Hợp tác xã sản xuất trà Anh Thị, chia sẻ: "Những ngày đầu mang giống sen quý từ hồ Tây về ươm trên đất Ứng Hòa, chúng tôi đã bỏ nhiều tâm huyết tìm hiểu quá trình chăm sóc, đặc tính của cây... Và cây đã không phụ lòng người. Cho đến hôm nay, sen Bách Diệp đã “an cư” ở đất Ứng Hòa, tiềm năng của vùng nguyên liệu "triệu đô" cho sản phẩm chè sen.

bai2-sen11-1.jpg
Chè sen Anh Thị đã có lượng khách hàng ổn định.

Chúng tôi nhận ra rằng giống sen Bách Diệp gốc hồ Tây, khi đưa về đất Ứng Hòa trồng bông to, đẹp, bảo đảm cả hương và sắc không kém gì sen Tây Hồ xưa. Cùng với kỹ thuật ướp trà vừa kế thừa tinh hoa của ướp trà sen thủ công, vừa ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, bảo quản; chỉ sau 2 năm xuất hiện trên thị trường, thương hiệu trà sen Anh Thị đã có lượng khách hàng ổn định".

Trong đợt khảo sát vùng nguyên liệu trà mới đây tại huyện Ứng Hòa, chia sẻ với phóng viên Hànộimới, ông Vũ Mạnh Hải, Chủ tịch Hiệp hội nghệ nhân thợ giỏi Hà Nội cho rằng: Thương hiệu mỗi sản phẩm do chính chất lượng của nó quyết định. Trong quá trình đô thị hóa, sen Tây Hồ đã bén duyên và khẳng định được chất lượng tại các xã vùng trũng huyện Ứng Hòa. Bản thân giống sen quý này đã có hương vị riêng của nó, cùng với kỹ thuật làm trà truyền thống khi được ứng dụng thêm khoa học công nghệ vào sản xuất, cho ra thứ trà độc đáo từ sắc tới hương. Vị sen thơm ẩn khuất trong từng búp trà, khi thưởng thức hương thơm đượm, vị ngọt, nước xanh, màu đẹp như ngọc bích…

hanoimoi.com.vn-uploads-image-news-thumbnails-2023-5-_thumbnails185620230456332.jpg

Tôi tin thứ trà ngon thượng hạng đó sẽ chinh phục được mọi thực khách khó tính. Và Ứng Hòa, trong tương lai gần sẽ là vùng nguyên liệu lớn cho dòng trà hằng trăm năm này của Thủ đô. Khi đó, trà sen không chỉ đơn thuần là một thú chơi tao nhã của một bộ phận người yêu trà, mà còn là một mặt hàng đặc trưng, mang thương hiệu quốc gia, có thể xuất khẩu, sánh ngang với những loại trà thượng hạng trên thế giới.

- Ông VŨ MẠNH HẢI
Chủ tịch Hiệp hội nghệ nhân thợ giỏi Hà Nội

Khẳng định một hướng đi mới từ cây sen Tây Hồ, ông Phạm Văn Hoạch, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cho biết: Hiện nay, huyện Ứng Hòa đất lúa vẫn còn tới hơn 8.300ha, trong khi đó theo quy hoạch chung đến năm 2030, diện tích lúa sẽ thu hẹp dần, còn khoảng 5.900ha, do đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là yêu cầu tất yếu. Qua thực tiễn các mô hình trồng thử nghiệm giống sen hồ Tây làm nguyên liệu cho trà sen ở các xã như Đồng Tiến, Phương Tú… cho kết quả khả quan. Chất lượng hoa, trà được thực khách đánh giá cao. Do đó, huyện kỳ vọng, cây sen Hồ Tây sẽ là một trong những cây trồng chủ lực, nếu thị trường tốt, huyện có thể chuyển đổi sang trồng sen quy mô cả ngàn héc-ta.

Cho đến hôm nay, không chỉ có sen Tây Hồ, nhiều giống sen quý, cho năng suất cao cũng đã được nhân giống, ươm trồng ở nhiều nơi; dưới đôi bàn tay chăm chỉ, tài hoa của các nghệ nhân đã làm ra nhiều sản phẩm hữu dụng trong đời sống hằng ngày cũng như phục vụ xuất khẩu, góp phần tạo nên giá trị cũng như bản sắc văn hoá độc đáo của cây sen Việt Nam…

line.jpg

Thực hiện: Ngọc Thủy - Bạch Thanh
Ảnh: Ngọc Thủy - Bạch Thanh - Lê Long - Hiền Xiêm
Thiết kế: T.P