Doanh nghiệp

Sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Hồng Sơn 24/07/2023 - 21:29

Việc chậm cải cách thủ tục hành chính, thể chế, chính sách không phù hợp là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp rất cần được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó đóng góp tích cực vào tăng trưởng của nền kinh tế.

thep-inox.jpeg
Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thép chịu thiệt hại. Ảnh minh họa.

Nhiều quy định cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh

Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) Nguyễn Minh Thảo cho biết, qua rà soát sơ bộ về ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh trong 15 lĩnh vực, chất lượng điều kiện kinh doanh đã được cải thiện. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và cải cách điều kiện kinh doanh có dấu hiệu chững lại. Ở một số lĩnh vực, rào cản điều kiện kinh doanh thậm chí còn thắt chặt hơn.

Trưởng phòng Xây dựng pháp luật, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Diệu Hồng cho rằng, một số điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không có ý nghĩa và hiệu quả quản lý đã gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tăng chi phí, giảm niềm tin của nhà đầu tư; giảm tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh…

Từ góc trực diện của mình, không ít doanh nghiệp đã và đang bức xúc trước thực trạng chậm giải quyết các vướng mắc. Điển hình là đại diện 27 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất thép inox đã đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 20:2019/BKHCN) về thép không gỉ, vốn đã được các doanh nghiệp có ý kiến với các ngành chức năng từ năm 2019.

Theo đó, một số sản phẩm thép không gỉ vốn là nguồn phôi đầu vào để sản xuất, gia công nhiều mặt hàng gia dụng, nội thất bị cấm lưu hành. Ngược lại, thành phẩm chế tạo từ nguyên liệu trên lại được phép nhập khẩu để lưu hành trong nước. Vậy là doanh nghiệp nội chịu thiệt hại vì mất cả cơ hội sản xuất cũng như thị trường.

Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền lo lắng về khả năng đứt gãy hoạt động vận tải quá cảnh. Nguyên nhân là vài tháng qua nhiều xe bị phạt hành chính với lý do “khai báo sai so với quy định hoặc có hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ”. Trong khi đó, trên thực tế thì các doanh nghiệp vận tải cũng chỉ là bên làm dịch vụ vận chuyển nên không thể tự ý tháo bỏ niêm phong, dỡ hàng, kiểm hàng trong container. Nhiều trường hợp cán bộ, nhân viên chức trách lại kiểm tra trực tiếp bằng tay, gỡ hàng theo kiểu thủ công, làm rách bao bì, đẩy doanh nghiệp vận tải vào tình thế vi phạm cam kết với chủ hàng…

Như vậy, giữa sự chỉ đạo của Chính phủ với việc thực thi của các cơ quan, đơn vị chức năng vẫn còn một khoảng cách, cần nhận diện cũng như tìm cách giải quyết triệt để.

Giải pháp thiết thực, quyết liệt

Thực tế, yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp càng cấp thiết, cũng chính là áp lực tự thân của các cấp điều hành, đòi hỏi những giải pháp kịp thời, mang tính thiết thực. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 644/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính. Thủ tướng giao nhiệm vụ đến từng bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan, đầu mối, lãnh đạo địa phương… nhằm triển khai nghiêm túc và có hiệu quả việc cải cách.

Liên quan đến nội dung trên, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Đây sẽ là cơ sở để Chính phủ, các cấp, ngành dồn sức tập trung hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất, kịp thời và hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, năm 2023, Chính phủ gộp nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vào Nghị quyết số 01/NQ-CP; trong đó, chú trọng 4 nhóm giải pháp trọng tâm. Đó là cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Tiếp đến là tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia. Cùng với đó, chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Cuối cùng là chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Các chuyên gia cũng đưa ra đề xuất nhằm đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp. Theo Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) Nguyễn Anh Dương, cần lưu tâm, cải thiện việc tiếp cận vốn và khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh kết hợp nâng cao năng suất lao động. Ngoài ra, cần ban hành quy định về cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh tế mới, kinh tế tuần hoàn… Đồng thời tăng cường giám sát, đánh giá độc lập về kết quả thay đổi, cải cách.

Chính phủ nhất quán chủ trương, chủ động cải thiện môi trường kinh doanh. Điều đó đòi hỏi các cấp, ngành nhanh chóng sửa đổi các quy định pháp lý về điều kiện kinh doanh; giải quyết kịp thời, triệt để các bất cập, khó khăn của doanh nghiệp.