Tôn vinh 167 công nhân lao động trực tiếp, dám nghĩ, dám làm
Ngày 24-7, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV, năm 2023. Những cá nhân được trao tặng giải thưởng lần này có trình độ học vấn, tay nghề và điều kiện làm việc khác nhau, nhưng có một điểm chung là luôn khát khao tìm hiểu, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, phát huy sáng kiến nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc.
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang tham dự chương trình.
808 đề tài, sáng kiến, tổng giá trị làm lợi 2.787 tỷ đồng
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ông Nguyễn Đình Khang cho biết, năm nay, Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV được triển khai sớm, xét chọn nghiêm túc từ cơ sở, trong đó nhấn mạnh vào tiêu chí có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được áp dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao được người sử dụng lao động hoặc cấp có thẩm quyền công nhận.
Trên cơ sở 203 hồ sơ giới thiệu của các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, qua quá trình thẩm định, đánh giá công phu, cẩn trọng, khách quan, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định trao tặng Giải thưởng cho 167 công nhân lao động tiêu biểu, xuất sắc nhất trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Các cá nhân được vinh danh dù khác nhau về lĩnh vực công tác, tuổi đời, tuổi nghề, điều kiện làm việc, hoàn cảnh gia đình, song đều có một điểm chung, đó là ý chí kiên trì, bền bỉ, tinh thần lao động hăng say, sáng tạo, khát vọng cống hiến, say mê nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, phát huy sáng kiến trong sản xuất; thực hiện thành công tổng cộng 808 đề tài, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật với tổng giá trị làm lợi 2.787 tỷ đồng.
Trong đó có những gương nổi bật, đặc biệt xuất sắc như anh Lê Văn Biên, sinh năm 1981, công nhân khai thác than trong hầm lò bậc 5/5 Phân xưởng Khai thác 7, Công ty Than Thống Nhất. Giai đoạn 2018-2023, anh Biên có 6 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn đem lại giá trị làm lợi 6,7 tỷ đồng.
Anh Trương Phương Nam, sinh năm 1985, Đội trưởng, Xưởng Cơ khí - Nhà máy Đạm Cà Mau, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Công đoàn Dầu khí Việt Nam, giai đoạn 2018-2023 có 1 đề tài, 21 sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn làm lợi trên 20 tỷ đồng, được thưởng 480 triệu đồng; đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở năm 2018, 2021, Giải thưởng Sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam năm 2021, Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn năm 2018, 2020, 2021…
Anh Hoa Văn Tân, sinh năm 1987, Nhân viên kỹ thuật, Công ty cổ phần May Minh Anh - Kim Liên, tỉnh Nghệ An, là người đi đầu trong phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật của Công ty, từ năm 2018 đến năm 2022 có tổng số 157 sáng kiến được ứng dụng vào sản xuất sản phẩm tại Công ty đem lại giá trị làm lợi 1,373 tỷ đồng/năm. Anh Tân là người có số lượng sáng kiến nhiều nhất trong số cá nhân đạt Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2023.
Phát huy bản lĩnh trí tuệ của người lao động Việt Nam
Là một trong những cá nhân được vinh danh dịp này, kỹ sư cao cấp Hoàng Văn Thành (Công ty TNHH Canon Việt Nam) cho rằng “phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” là hoạt động không ngừng nghỉ trong suốt quá trình hình thành, phát triển của một doanh nghiệp. Nếu vì một lý do nào đó, nó không được vận hành, doanh nghiệp đó sẽ lạc hậu, tụt lại phía sau. Vì vậy, việc phát huy tinh thần nghiên cứu, học tập, ứng dụng khoa học công nghệ, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0 luôn được ban lãnh đạo, công đoàn Công ty TNHH Canon Việt Nam cổ vũ, động viên, đẩy mạnh.
Anh Thành chia sẻ, trong số các sáng kiến của anh, có “Cải tiến chất lượng khuôn và giảm chi phí sửa bằng cải tiến bản vẽ sản phẩm trước khi làm khuôn cho đời máy mới”, bắt nguồn từ trong quá trình làm việc, nhận thấy bản vẽ linh kiện được các nhà thiết kế Nhật Bản phát hành để làm khuôn vẫn còn nhiều điểm không tốt dẫn tới chi phí hàng năm phải sửa khuôn rất cao.
Hoàng Văn Thành đã tự nhận diện được nhiều điểm có thể cải tiến từ thiết kế trên. Sau đó anh đã sử dụng phần mềm thiết kế để nghiên cứu thay đổi hình dáng sản phẩm, khuôn và đề xuất, thuyết phục phương án cải tiến với nhà thiết kế từ giai đoạn đầu. Sáng kiến của anh giảm được chi phí sửa khuôn trung bình 269 nghìn USD/đời máy. Ước tính mỗi năm có khoảng 5 đời máy, số chi phí tiết kiệm được là 1,3 triệu USD (tương đương 29 tỷ đồng).
Với những thành tích tự hào như vậy, nhưng Hoàng Văn Thành lại rất khiếm tốn: “Những thành tích tôi nhận được không chỉ là nỗ lực của riêng cá nhân mà là kết quả của cả nhóm, trong đó là sự hỗ trợ của Ban Lãnh đạo, của chuyên gia Nhật Bản, tổ chức công đoàn. Đây sẽ là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu trong thời gian tới”, Hoàng Văn Thành chia sẻ.
Cùng chung quan điểm, nhiều cá nhân được trao tặng giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần này đều cho rằng, sáng tạo chính là cho đi rồi sẽ nhận lại những điều cao quý và tốt đẹp hơn. Cùng với sáng tạo, mỗi người lao động hãy thực hiện văn hoá tư duy, chia sẻ, cùng đồng nghiệp tiếp tục tham gia các dự án được giao.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhiệt liệt chúc mừng các công nhân, lao động xuất sắc, tiêu biểu được trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng mong muốn 167 công nhân lao động xuất sắc được trao tặng Giải thưởng tiếp tục phát huy tinh thần tự hào bản lĩnh trí tuệ của người lao động Việt Nam, tích cực học tập, nâng cao tay nghề, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, có nhiều đổi mới, sáng tạo, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, quy trình, thao tác nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm; luôn nỗ lực, trách nhiệm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; đặc biệt, mong muốn các tấm gương tiêu biểu ngày càng lan tỏa mạnh mẽ tinh thần phấn đấu không ngừng tới các đồng nghiệp để có thêm nhiều công nhân lao động được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh trong những năm tiếp theo... Qua đó tạo thêm động lực mạnh mẽ khích lệ đội ngũ công nhân lao động trong cả nước hăng say lao động sản xuất, say mê sáng tạo, góp phần đưa phong trào thi đua “lao động giỏi”, “lao động sáng tạo” lên tầm cao mới cả bề rộng và chiều sâu
Ngày 1-8-2007, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định ban hành Giải thưởng mang tên vị lãnh tụ của Đảng, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam: Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh.
Giải thưởng được trao tặng 5 năm một lần vào năm diễn ra Đại hội toàn quốc Công đoàn Việt Nam. Trong 15 năm triển khai thực hiện, với 3 lần xét chọn, Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh đã được trao tặng cho 309 cá nhân,.