Khởi sắc ở vùng miền núi
Kể từ ngày 1-8-2008, nhiều vùng đồng bào dân tộc và miền núi thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) và huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) trở thành một phần của Hà Nội theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII. Với chủ trương, việc làm đúng đắn, hợp ý dân, đời sống của người dân nơi đây đã từng bước “thay da, đổi thịt”, trở thành điểm sáng trong bức tranh đổi mới của nông thôn Thủ đô.
Đổi thay từ cơ sở hạ tầng đến đời sống
Có dịp đến với xã vùng núi Yên Bình, huyện Thạch Thất, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước diện mạo mới ở nơi này. 15 năm sau hợp nhất về Hà Nội, Yên Bình - một xã nghèo miền núi, thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) về với huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã đổi thay diệu kỳ. Những con đường hoa khang trang trải nhựa kiên cố, nhiều mô hình kinh tế xanh được hình thành, đời sống của người dân được nâng cao.
Bà Đỗ Thị Dung, ở thôn 6, xã Yên Bình chia sẻ: “15 năm trước, những con đường liên thôn, xóm chủ yếu là đường đất. Nay toàn bộ đường đi trên địa bàn xã đều được đổ bê tông, đi lại thuận tiện. Không chỉ thế, xã còn được đầu tư về nhà văn hóa, trạm xá mới; trường học mới... Mỗi khi chiều tối, từ người già đến trẻ nhỏ tập trung ở nhà văn hóa vui chơi, tập thể dục… những hoạt động mà tưởng chừng không thể có đối với xã miền núi”.
Rời Yên Bình, chúng tôi về xã Đông Xuân - cũng là một xã miền núi của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) được sáp nhập về huyện Quốc Oai (Hà Nội). Khi hỏi về những đổi thay của xã, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Xuân Bùi Văn Long thông tin, xã có 7 thôn, hơn 1.500 hộ, khoảng 5.600 nhân khẩu, có tới 80% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Sau 15 năm về với Thủ đô, xã Đông Xuân đã có những chuyển mình mạnh mẽ.
Được sự quan tâm, đầu tư của thành phố và huyện Quốc Oai, đến nay, Đông Xuân đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo Chương trình xây dựng nông thôn mới. Không còn những con đường đồi núi, đất đá ở vùng bán sơn địa trước kia, nay kết cấu hạ tầng của xã được đầu tư đồng bộ, 100% thôn đã có đường bê tông xi măng hoặc trải nhựa; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống nhân dân và kinh tế của địa phương phát triển mạnh. Hạ tầng phát triển đã giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất, nhờ đó thu nhập bình quân của người dân từ 6 triệu đồng/người/năm (năm 2008) đến nay đã tăng lên 61,5 triệu đồng/người/năm.
Đặc biệt, trước khi về Hà Nội, bà con dân tộc huyện Lương Sơn còn loay hoay với bài toán “nuôi con gì, trồng cây gì”, chủ yếu sản xuất kiểu "tự cung, tự cấp" thì nay hoàn toàn khác. Ông Nguyễn Xuân Tám, ở thôn Sổ Tơi, xã Yên Trung (Thạch Thất) cho biết, trước đây người dân xã Yên Trung chỉ biết trồng lúa, làm vườn, đời sống gặp nhiều khó khăn. Sau 15 năm hợp nhất, người dân nơi đây đã được tiếp cận với tiến bộ khoa học, kỹ thuật để đưa vào sản xuất nông nghiệp. “Trang trại của gia đình tôi đang nuôi hơn 100 lợn nái, thương phẩm và hơn 50 con lợn rừng, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm”, ông Nguyễn Xuân Tám khoe. Không riêng gia đình ông Tám, nhiều hộ gia đình ở Yên Trung đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi giúp nhiều hộ phát triển kinh tế.
Ngoài việc được đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, các xã thuộc vùng miền núi của Hà Nội còn được quan tâm chăm lo về y tế, giáo dục, những phúc lợi xã hội dành cho người cao tuổi. Sau 15 năm về với Thủ đô, ông Nguyễn Văn Đệ (73 tuổi), người có uy tín của thôn Lặt, xã Minh Quang (huyện Ba Vì) cho hay, 95% đồng bào dân tộc trên địa bàn xã đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế... Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây được cải thiện rõ rệt. Nhân dân có ý thức trong việc bảo vệ môi trường sống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Trưởng ban Dân tộc Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết, hiện bình quân thu nhập đầu người tại các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của thành phố đạt khoảng 55 triệu đồng/người/năm, có xã đạt hơn 62 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, 100% số xã đã có đường bê tông hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia; 100% dân số được dùng nước sạch và nước hợp vệ sinh; 100% các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế… Đáng chú ý, 13/13 xã vùng đồng bào dân tộc của Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới... Đây là những minh chứng sống cho sự đổi thay ở các xã miền núi Thủ đô.
Tiếp tục hỗ trợ để thu hẹp khoảng cách
Có thể nói, sự thay đổi cả về đời sống, vật chất và tinh thần của người dân ở khu vực miền núi đã khẳng định Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII là chủ trương lớn, đúng đắn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, để thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của người dân ở vùng dân tộc thiểu số miền núi so với miền xuôi vẫn cần sự hỗ trợ và đầu tư từ Trung ương và thành phố.
Là chủ mô hình trồng sen kết hợp du lịch trải nghiệm tiêu biểu, điểm nhấn về phát triển kinh tế tại xã An Phú (huyện Mỹ Đức), song ông Đinh Thanh Tùng vẫn còn nhiều điều trăn trở. Đó là, để phát triển bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của xã, địa phương cần được đầu tư cơ sở hạ tầng phụ trợ; đào tạo, nâng cao tay nghề cho nông dân trong ướp sen, sản xuất chè, phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm…
Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai) Đinh Công Nhật trăn trở, được sự quan tâm, đầu tư của thành phố, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã Phú Mãn được nâng cao. Tuy nhiên, sau nhiều năm được xây dựng, một số công trình hạ tầng đang xuống cấp, cần được đầu tư, đáp ứng điều kiện sản xuất mới.
Là địa bàn có tới 7 xã miền núi của Thủ đô, huyện Ba Vì cũng còn đó những khó khăn. Việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết được lợi thế, tiềm năng. Chương trình giảm nghèo chưa bền vững, thu nhập bình quân đầu người và đời sống còn thấp, tỷ lệ hộ nguy cơ tái nghèo cao. Do đó, huyện đang tiếp tục tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách tới đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn…
Liên quan đến vấn đề này, Trưởng ban Dân tộc Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết, thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án còn dang dở; tập trung hoàn thành quyết toán, sớm đưa vào sử dụng và bảo đảm sử dụng hiệu quả công trình sau đầu tư. Đồng thời đề xuất với thành phố tiếp tục quan tâm, đầu tư nâng cấp các thiết chế hạ tầng kinh tế, xã hội, giúp đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tiến gần với đồng bằng; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố.