Thế giới

Tổng tuyển cử ở Tây Ban Nha: Cuộc đua tranh gay cấn

Quỳnh Dương 23/07/2023 - 06:57

Hôm nay (23-7), cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ở Tây Ban Nha được tổ chức. Đây là cuộc cạnh tranh khá gay cấn giữa đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa (PSOE) do Thủ tướng Pedro Sanchez đứng đầu với đảng Nhân dân (PP) của Thượng nghị sĩ Alberto Nunez Feijoo.

Tuy nhiên, nhiều dự đoán cho rằng, không đảng nào có thể giành được số ghế quá bán tại quốc hội, do đó phải liên minh với đảng khác để thành lập chính phủ.

taybannha.jpg
Đảng Nhân dân được dự đoán sẽ đứng đầu cuộc tổng tuyển cử.

Nếu theo đúng kế hoạch, cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay. Tuy nhiên, do liên minh PSOE và đảng Unidas Podemos thất bại trong cuộc bầu cử địa phương ngày 28-5. Đây vốn được coi là một “phép thử” đối với chính phủ liên hiệp cầm quyền. Trước nguy cơ sự ủng hộ của các cử tri tiếp tục hạ thấp, Thủ tướng Pedro Sanchez đã tuyên bố giải tán quốc hội, mở đường cho cuộc bầu cử trước thời hạn nhằm cứu vãn hình ảnh cho PSOE và ngăn chặn đà suy giảm về tín nhiệm. Thế nhưng, theo các nhà phân tích, PSOE đứng trước nhiều bất lợi lớn.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới đây nhất cho thấy, đảng PP gần như sẽ chiến thắng và có thể sẽ giành được 140 ghế tại quốc hội. Tuy nhiên, PP cần liên minh với đảng cực hữu Vox như đã làm trong cuộc bầu cử địa phương để giành được đa số trong cơ quan lập pháp gồm 350 ghế. Dự đoán, Vox sẽ có được 36 ghế.

Trên thực tế, trong gần 4 năm cầm quyền, PSOE cũng đạt được khá nhiều thành tựu, đặc biệt là việc thông qua một số chính sách xã hội quan trọng như nâng lương tối thiểu. Tuy nhiên, nhiều cử tri không hài lòng khi chính phủ liên minh triển khai chính sách gây tranh cãi về nữ quyền và người chuyển giới. Ngoài ra, hệ quả lạm phát do xung đột Nga - Ukraine gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân cũng là lý do các cử tri bất mãn. Thêm nữa, vị thủ tướng 51 tuổi Pedro Sanchez cũng thể hiện một cách mờ nhạt trong cuộc tranh luận trước bầu cử duy nhất được truyền hình trực tiếp với ứng cử viên Alberto Nunez Feijoo, 61 tuổi của PP.

Nếu PP giành thắng lợi không quá bán và phải liên kết với Vox, đây sẽ là lần đầu tiên Tây Ban Nha đưa một lực lượng cực hữu trở lại với chính phủ kể từ khi đất nước này chuyển đổi sang chế độ dân chủ năm 1975. Điều đó đồng nghĩa PP sẽ phải nhượng bộ về một số chính sách cho lực lượng cực hữu. Không ít cử tri, thậm chí cả các nghị sĩ PP cho rằng, Vox không phải là một đối tác phù hợp trong bất kỳ liên minh cầm quyền nào.

Hiện tại, lập trường của Vox trong nhiều vấn đề đang làm Liên minh châu Âu (EU) lo ngại. Nhiều nhận định cảnh báo rằng, Vox sẽ gây ảnh hưởng để đảo ngược tiến trình đã đạt được về bình đẳng, quyền của con người và chống biến đổi khí hậu. Các nhân vật văn hóa hàng đầu của Tây Ban Nha cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc đối với thái độ và quan điểm của PP và đảng Vox đối với nghệ thuật sau một số sự cố kiểm duyệt bởi các hội đồng do cánh hữu hoặc cực hữu điều hành.

Hy vọng hiện tại hướng về Sumar, một phong trào mới gồm 15 đảng cánh tả nhỏ, bao gồm cả Podemos, do Bộ trưởng Lao động Yolanda Díaz lãnh đạo. Nếu có thể đánh bại Vox để giành vị trí thứ ba, Sumar sẽ là một lựa chọn phù hợp hơn cho việc thành lập chính phủ liên minh.

Vấn đề các cử tri Tây Ban Nha đặc biệt quan tâm ở thời điểm này là cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Một báo cáo của Ngân hàng Tây Ban Nha được công bố vào tuần trước cho thấy, 9% hộ gia đình Tây Ban Nha không thể thanh toán các hóa đơn của họ do chi phí và lãi suất tăng cao. Theo kết quả một cuộc thăm dò gần đây trên báo La Vanguardia, kinh tế là vấn đề lớn nhất đối với các cử tri, với 31% những người được khảo sát đặt nó làm ưu tiên hàng đầu. Sau đó là thất nghiệp (10%) và chăm sóc sức khỏe (9%). Nhập cư, một trong những vấn đề "ưa thích" của đảng Vox chỉ có 2% quan tâm.

Giải đáp được các băn khoăn của cử tri, để làm sao giúp họ giảm bớt được gánh nặng chi phí sinh hoạt được xem là bài toán khó đối với bất kỳ đảng phái nào giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử này.