Nông dân Australia hưởng lợi sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen
Theo Guardian ngày 22-7, nông dân Australia đang chốt giá ngũ cốc tăng vọt trước vụ thu hoạch sắp tới, sau khi tên lửa Nga tấn công các cảng của Ukraine và quyết định của Điện Kremlin rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.
Sự gián đoạn đối với khu vực Biển Đen có thể gây ra thảm họa cho các quốc gia đang quay cuồng với chi phí sinh hoạt gia tăng, xung đột và hạn hán, đặc biệt là ở vùng Sừng châu Phi.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nói rằng, điều đó sẽ “giáng một đòn mạnh vào những người có nhu cầu ở khắp mọi nơi".
Nhưng đối với nhiều người trồng ngũ cốc ở Australia, đây có thể là năm thứ tư liên tiếp bội thu nhờ giá lúa mì và các loại ngũ cốc khác tăng cao. Australia là nhà sản xuất và xuất khẩu lúa mì lớn cũng như Ukraine.
Hầu hết nông dân quốc gia này đã trải qua một thời gian khó khăn trong đợt hạn hán từ năm 2017 đến đầu năm 2020, trước khi ghi nhận ba vụ thu hoạch ngũ cốc xuất sắc, với một kết quả kỷ lục vào năm ngoái.
Các trang trại Australia có xu hướng thu hoạch vụ ngũ cốc chính từ cuối tháng 10, vào giai đoạn này họ bắt đầu chốt hầu hết các hợp đồng mua bán. Nhưng họ có thể bán kỳ hạn một số sản phẩm thu hoạch dự kiến và sử dụng các cơ chế như thị trường tương lai để chốt giá cao.
Tracy Blackburn, người điều hành một hoạt động nông nghiệp ở miền Trung New South Wales, cho biết biến động ở Biển Đen sẽ khiến gia tăng nhu cầu đối với ngũ cốc của Australia. Trên khắp Australia, sản lượng lúa mì từ vụ thu hoạch tiếp theo được dự báo sẽ đạt khoảng 30 triệu tấn, cao hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn.
Nga đã tiến hành không kích dữ dội vào các kho chứa ngũ cốc và cơ sở hạ tầng cảng của Ukraine sau khi Điện Kremlin quyết định chấm dứt Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen do Liên hợp quốc làm trung gian. Các nhà xuất khẩu Ukraine giờ đây sẽ phải dựa vào các tuyến đường bộ, đường sông và đường sắt có sức tải thấp hơn để vận chuyển ngũ cốc, trừ khi họ có thể thương lượng một tuyến đường an toàn cho các tàu chở ngũ cốc.