Kinh tế

Phối hợp đồng bộ chính sách để hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế

Hà Phong 20/07/2023 - 19:22

Chiều 20-7, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới". Các đánh giá cho thấy, chính sách tiền tệ đang có sự chuyển đổi phù hợp, từ "chặt chẽ" trước đó sang "chắc chắn" và đến nay, tiếp tục chuyển sang "linh hoạt, nới lỏng hơn".

Tham dự toạ đàm là các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế, tài chính, tiền tệ.

0.jpg
Các vị khách mời tham dự tọa đàm.

"Bắt mạch" đúng và "kê đơn" đúng "thuốc"

Từ khía cạnh cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, thời gian qua, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức.

4(2).jpg
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Với chính sách tiền tệ, “bài toán” giữa ổn định tỷ giá và hạ lãi suất đã không ít lần được mang ra cân đo đong đếm. Chính vì thế, trong nhiều cuộc họp từ đầu năm 2023 đến nay, người đứng đầu Chính phủ liên tục đưa ra thông điệp về việc cố gắng giảm mặt bằng lãi suất xuống. Chủ trương này hoàn toàn đúng với nhu cầu doanh nghiệp, bởi vì được tiếp cận vốn với chi phí hợp lí, rẻ hơn thì những doanh nghiệp xuất khẩu mới thuận lợi. 

Ông Đậu Anh Tuấn phân tích, việc liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ. Qua đó, tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

1(2).jpg
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế phát biểu tại tọa đàm.

Cùng chung quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế; đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã "bắt mạch" đúng và "kê đơn" đúng thuốc. Các chỉ đạo của Thủ tướng trong thời gian vừa qua phản ứng kịp thời với tình hình của đất nước và rất quyết liệt. Chỉ đạo này cũng được Ngân hàng Nhà nước triển khai chặt chẽ, chắc chắn nhưng cũng rất linh hoạt.

Ngoài việc nới lỏng chính sách tiền tệ, Chính phủ cũng quan tâm gia cố sự an toàn của hệ thống ngân hàng, xử lý dứt điểm những vấn đề phát sinh, thậm chí có những giải pháp rất thận trọng trong cung cấp tiếp tín dụng cho một số đối tác đang có dư nợ tín dụng.

Tăng tốc đạt mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới

Các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế, tài chính, tiền tệ đề xuất nhiều giải pháp Chính phủ cần ưu tiên trong bối cảnh hiện nay để tăng tốc, tiếp tục đạt mục tiêu tăng trưởng mới.

Ông Đậu Anh Tuấn thông tin, một số doanh nghiệp cho biết, việc vay được vốn rẻ vẫn đang rất khó khăn. Những con số kinh tế trong 6 tháng đầu năm cho thấy bức tranh về kinh doanh, về doanh nghiệp còn đáng lo ngại; số doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm khá cao.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, nếu doanh nghiệp không duy trì được hoạt động, không tăng trưởng được thì chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, lao động, việc làm, thu ngân sách; về dài hạn, ảnh hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp. Do đó, các chính sách tiền tệ phải đi nhanh được vào thực tiễn, giúp thêm nhiều doanh nghiệp vay vốn với lãi suất hợp lý để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

3(2).jpg
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng Chính sách tiền tệ, tài khóa không có sự phối hợp với các chính sách khác như hoàn thuế VAT thì sẽ giảm hiệu quả.

Ở góc nhìn khác, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, sự phối hợp chính sách rất quan trọng. Đơn cử, chính sách tiền tệ, tài khóa nếu không có sự phối hợp với các chính sách khác như hoàn thuế VAT thì sẽ giảm hiệu quả. Vì thế, vai trò của Quốc hội là rất lớn để đồng hành và thúc đẩy chính sách. Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ và Quốc hội đã có sự phối hợp rất bài bản, hành động nhất quán trong việc ban hành quyết sách, chính sách. Quốc hội đã có những thay đổi rất lớn, phản ứng nhanh, tính thích ứng, khoa học, bài bản được nâng cao...

TS. Cấn Văn Lực lưu ý, về cơ bản, lạm phát của Việt Nam, cả lạm phát tổng thể cũng như lạm phát lõi, đang giảm dần, từ mức khoảng 5,21% đầu năm xuống 4,74% trong tháng 6-2023. Kinh tế 2 quý vừa qua mặc dù có tiến triển hơn nhưng vẫn còn khó khăn, chịu tác động rất lớn từ những yếu tố đặc biệt bên ngoài và cả những yếu tố nội tại bên trong tồn tại lâu nay đang được tiếp tục xử lý. Do đó, cần thay đổi chính sách phù hợp để phục hồi và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

"Chính lúc này, cũng cần sự phối hợp đồng bộ hơn giữa các chính sách, trong đó có chính sách tài khóa, giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thì chúng ta mới bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra”, TS. Cấn Văn Lực nói.