Phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng trở thành động lực của cả nước
Các tham luận của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng trong sáng 20-7, thể hiện quyết tâm và ý thức trách nhiệm trong phối hợp hành động, cũng như nêu các giải pháp, kiến nghị nhằm triển khai nhanh chóng, hiệu quả nhiệm vụ.
Dẫn đầu về tiềm lực
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, hệ thống đô thị của Vùng đồng bằng sông Hồng phát triển mạnh mẽ trong gần 30 năm qua. Trong đó 3 đô thị lớn là Hà Nội, Hải Phòng và Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) là các đô thị động lực của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Số lượng các đô thị được đầu tư nâng cấp thành thị xã, thành phố liên tục tăng nhanh…
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu phát triển chưa đạt, đặt ra thách thức, như phát triển đô thị còn chênh lệch lớn giữa tiểu vùng phía Bắc Hà Nội (gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hải Dương) và tiểu vùng phía Nam (gồm: Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình và Nam Định). Chất lượng đô thị chưa tương xứng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội; tăng trưởng quy mô đô thị tạo áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng; mở rộng đô thị chưa có chọn lọc; còn tình trạng phát triển đô thị thiếu kiểm soát.
Khẳng định đô thị hóa là quá trình tất yếu, khách quan, đòi hỏi việc quy hoạch, xây dựng và quản lý phù hợp, hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu các giải pháp phân bổ không gian đô thị và giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn Vùng đồng bằng sông Hồng.
Để Vùng đồng bằng sông Hồng có thể trở thành trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu giải pháp xây dựng và phát triển các khu, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam… Trong đó Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học; Hải Phòng trở thành trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ về biển…
“Vùng đồng bằng sông Hồng phải có một trung tâm chuyển đổi số. Tại đây sẽ tập trung các doanh nghiệp số, phát triển thí điểm các giải pháp số, sản phẩm số và là nguồn nhân lực số cho cả vùng. Thành phố Hà Nội có trách nhiệm đi trước về chuyển đổi số, qua đó giúp đỡ toàn vùng chuyển đổi số”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh trong tham luận về giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng trung tâm dữ liệu Vùng đồng bằng sông Hồng.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn kiến nghị cần sớm ban hành quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương trong vùng, đảm bảo được sự thống nhất giữa các cấp quy hoạch, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn.
Ngoài ra, cần khẩn trương sửa đổi Luật Ngân sách để cho phép địa phương này có thể được dùng ngân sách để tài trợ hoạt động ở địa phương khác cũng như tài trợ cho các hoạt động liên tuyến, đảm bảo cho cơ chế hoạt động mạnh của Hội đồng điều phối vùng.
Nhiệm vụ của Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng khá nặng nề khi vùng được xác định có vai trò động lực phát triển hàng đầu, định hướng và dẫn dắt quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đi đầu trong ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi phát triển kinh tế số, xã hội số, cải cách hành chính và tạo môi trường đầu tư thuận lợi.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn
Cần sớm ban hành những quy chế tạo hiệu quả hoạt động
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu rõ, việc thành lập Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng là căn cứ quan trọng để xây dựng các chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy liên kết, phát triển vùng, tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc riêng.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tích cực, chủ động tham gia lập Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng; phối hợp với các địa phương triển khai các cơ chế liên kết, đảm bảo sự phát triển thống nhất theo quy hoạch vùng, như: Cơ chế cung cấp thông tin; phối hợp đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng; cơ chế hỗ trợ phát triển khoa học - công nghệ, đào tạo nhân lực…
Góp ý kiến về kế hoạch triển khai nhiệm vụ của Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng 6 tháng cuối năm 2023, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề xuất xây dựng quy chế phối hợp xử lý các vấn đề khủng hoảng, sự cố thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh; quy chế phối hợp xử lý các vấn đề về môi trường, trước mắt là môi trường nước, cùng các quy định chia sẻ nguồn vật liệu xây dựng; ban hành một số nguyên tắc thỏa thuận trong vùng về kết nối giao thông, gồm cả giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt.
Tham luận về các giải pháp chính sách phát triển trung tâm kinh tế biển và tam giác động lực phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đề xuất các nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển hệ thống mạng lưới giao thông huyết mạch, kết nối vùng, liên vùng, một trong ba đột phá chiến lược là ưu tiên hàng đầu. “Do vậy, cần cho phép “cơ chế mở” để các địa phương Vùng đồng bằng sông Hồng có thể sử dụng ngân sách của mình để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường quốc lộ cũng như ưu tiên đầu tư các tuyến đường huyết mạch có tính chất kết nối vùng, liên vùng…”, ông Cao Tường Huy nêu.
Tham luận của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn nêu các giải pháp thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu đô thị dịch vụ dọc tuyến hành lang kinh tế, tuyến cao tốc kết nối trên địa bàn tỉnh; đồng thời mong muốn có sự kết nối, hợp tác với các tỉnh, thành lân cận, trong đó có Hà Nội, để sớm giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm các dòng sông hiện nay.
Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng phải tạo ra sự kết nối để những nguồn lực nhỏ bé của các tỉnh được kết hợp lại, trở thành nguồn lực mạnh cho sự phát triển. Để Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng thực sự phát huy vai trò điều phối, phân bổ những nguồn lực phát triển, Hội đồng phải nắm được hai khâu then chốt: Quy hoạch phát triển vùng và nguồn vốn đầu tư phát triển các hạ tầng kết nối vùng.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân