5 đề xuất của Bí thư Thành ủy Hà Nội nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của Hà Nội đối với Vùng đồng bằng sông Hồng
Phát biểu tại Hội nghị đầu tiên của Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng diễn ra sáng 20-7 tại Hà Nội, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã nêu 5 đề xuất nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của Hà Nội đối với sự phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 30-NQ/TƯ, ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 3-2-2023 về thực hiện Nghị quyết; trong đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm, vị thế của Thủ đô Hà Nội theo tinh thần đồng hành cùng các bộ, ngành Trung ương và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố trong Vùng đồng bằng sông Hồng. Thành phố đồng thời cũng đã xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu của các sở, ban, ngành và 30 quận, huyện, thị xã để triển khai thực hiện.
Trên cơ sở chỉ đạo của Hội đồng điều phối vùng, với vị trí và vai trò là Thủ đô, là hạt nhân và là trung tâm của Vùng đồng bằng sông Hồng và với trách nhiệm “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã đề xuất 5 nội dung nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của Hà Nội đối với sự phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới, cũng như để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 8-2-2023 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ.
5 đề xuất cụ thể như sau:
Một là, trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, cần khẩn trương đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Vùng; tăng cường phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương với các địa phương trong Vùng sớm xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên vượt trội, có tính đột phá cao cho phát triển Vùng. Đối với Thủ đô Hà Nội, trước mắt là việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) theo đúng kế hoạch.
Hai là, tăng cường hợp tác, liên kết toàn diện, thực tế và hiệu quả để xây dựng và phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế chất lượng cao, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Tiếp tục tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển các quan hệ hợp tác song phương, hợp tác đa phương giữa các địa phương trong Vùng; trên cơ sở hợp tác kinh tế, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội, tăng tính hiệu quả và thiết thực trong hợp tác.
Thành phố Hà Nội mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện cho thành phố thực hiện các mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ và Nghị quyết số 30-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng
Ba là, xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển Vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành; gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành cho được các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của Vùng.
Đối với Thủ đô Hà Nội, trước mắt là tiếp tục phối hợp cùng các cấp, các ngành triển khai lập, trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây sẽ là cơ sở để sắp xếp, tổ chức phân bố không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trong quá trình xây dựng quy hoạch sẽ tính tới việc liên kết, kết nối vùng mà Hà Nội đóng vai trò trung tâm.
Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó Hà Nội đóng vai trò là trung tâm, vùng động lực phát triển, tạo sự liên kết, phát triển vùng.
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tập trung vào các chỉ số thành phần còn thấp.
Tập trung đầu tư xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước, trước mắt hoàn thành xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các cơ sở của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hà Nội. Với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn, Hà Nội đặt mục tiêu trở thành trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.
Năm là, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, chú trọng hạ tầng giao thông vận tải, thúc đẩy các hoạt động liên kết, phát triển của vùng bằng các tuyến đường bộ, đường sắt liên vùng. Đầu tư hoàn thiện các tuyến đường quốc lộ, đường vành đai, hệ thống đường kết nối theo quy hoạch và phù hợp với kiến trúc, cảnh quan; phấn đấu hoàn thành xây dựng dự án Đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô trước năm 2027; nghiên cứu chuẩn bị đầu tư đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, tuyến đường sắt tốc độ cao Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân...
Thúc đẩy đầu tư các công trình, dự án hạ tầng du lịch và các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, khác biệt, có chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh trong vùng để kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng mở rộng thị trường du lịch, xây dựng ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trước mắt tập trung đầu tư phát triển một số sản phẩm, khu, điểm du lịch gắn với di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử, du lịch xanh của các địa phương.