Phát triển Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu rõ, việc thành lập Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng là căn cứ quan trọng để xây dựng các chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy liên kết, phát triển vùng, tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc riêng.
Sáng 20-7, tại Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tham luận về phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc và các chính sách đặc thù vượt trội gắn với xây dựng Luật Thủ đô, để thúc đẩy phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Căn cứ quan trọng để xây dựng các chính sách đặc thù, vượt trội
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, trong những năm qua, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản, Nghị quyết mang tính chiến lược phát triển dài hạn của đất nước nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng, đặc biệt là quyết định thành lập Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng được công bố ngày hôm nay.
“Đây là căn cứ quan trọng để xây dựng các chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy liên kết, phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và tạo điều kiện thuận lợi để Thủ đô Hà Nội phát triển, trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc riêng”, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nêu.
Ngay sau khi có các Nghị quyết của Trung ương, Hà Nội đã chủ động xây dựng, ban hành các chương trình hành động, kế hoạch triển khai với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện đặc thù của Thủ đô. Trong đó luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Thủ đô đối với quá trình phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Đặc biệt, hiện nay, thành phố đang xây dựng đồng thời Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để tạo lập không gian phát triển mới, chú trọng các liên kết phát triển vùng và tạo lập nguồn lực mới từ nguồn tài nguyên nhân văn, tài nguyên số... Đây là nội dung mới, phức tạp trong điều kiện các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng đang trong quá trình nghiên cứu triển khai xây dựng.
Bên cạnh đó, thành phố đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để tạo đột phá về thể chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm khai thác, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực và lợi thế so sánh của Thủ đô; sớm đưa Thủ đô trở thành hạt nhân, là động lực phát triển của Vùng và cả nước theo định hướng Quy hoạch tổng thể Quốc gia mới được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81 ngày 9-1-2023.
Về liên kết phát triển vùng, thời gian tới, Hà Nội sẽ tích cực, chủ động tham gia công tác lập Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng; phối hợp với các địa phương trong Vùng để triển khai các cơ chế liên kết, đảm bảo sự phát triển thống nhất theo Quy hoạch vùng, như: Cơ chế cung cấp thông tin; phối hợp đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng liên kết vùng; cơ chế hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực…
Nghiên cứu cơ chế phân công, hợp tác giữa các địa phương trong Vùng
Để triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp của Hội đồng điều phối vùng, thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng điều phối vùng tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.
Các quy hoạch này là cơ sở để Hà Nội cập nhật, tích hợp thống nhất trong quá trình lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ đó, thành phố tiếp tục triển khai các quy hoạch chi tiết đô thị, quy hoạch xây dựng và định hướng chuẩn bị các dự án đầu tư trọng điểm có tính chất kết nối, liên kết vùng.
Ngoài ra, nghiên cứu cơ chế phân công, hợp tác giữa các địa phương trong Vùng để hình thành hệ thống chuỗi đô thị, khu công nghiệp, cụm liên kết nhằm khai thác hiệu quả các hành lang kinh tế, thúc đẩy phát triển Vùng.
Thành phố Hà Nội cũng đồng thời đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng điều phối vùng tiếp tục quan tâm ủng hộ thành phố trong quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô, trước mắt là việc cho ý kiến để hoàn thiện dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và trình Quốc hội thông qua. Luật Thủ đô sửa đổi là cơ hội tạo đột phá về thể chế, chính sách phát triển không chỉ cho Thủ đô Hà Nội, mà còn tạo điều kiện để Hà Nội trở thành đầu tàu, làm hình mẫu và động lực phát triển của Vùng và cả nước.
Đóng góp ý kiến về kế hoạch triển khai nhiệm vụ của Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng 6 tháng cuối năm 2023, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề xuất xây dựng quy chế phối hợp xử lý các vấn đề khủng hoảng, sự cố về thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh; quy chế phối hợp xử lý các vấn đề về môi trường, trước mắt là môi trường nước, cùng các quy định chia sẻ nguồn vật liệu xây dựng; ban hành một số nguyên tắc thoả thuận trong Vùng về kết nối giao thông, gồm cả giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh việc sớm ban hành những quy chế này sẽ giúp hoạt động của Vùng đồng bằng sông Hồng sớm tạo hiệu quả ngay trong thực tiễn.
Hà Nội hiện có dân số khoảng 10 triệu người, là nơi tập trung các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện hàng đầu, là trung tâm văn hóa lớn nhất cả nước, giữ vai trò chủ đạo về phát triển kinh tế của Vùng đồng bằng sông Hồng. Quy mô GRDP thành phố đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm 41,3% quy mô GRDP Vùng và 12,6% GDP bình quân cả nước. Hà Nội có vai trò là đầu tàu, là hạt nhân có tính chất lan tỏa của Vùng và khu vực Bắc bộ trên hầu hết lĩnh vực.