Kinh tế

Tiết kiệm điện: Lan tỏa những mô hình hay, cách làm sáng tạo

Bài và ảnh: VĂN CÔNG 20/07/2023 09:52

Trước thực trạng thiếu điện ở miền Bắc, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, địa phương đã có cách làm hay, sáng kiến hữu ích để tiết kiệm điện, góp phần tiết kiệm tài nguyên quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng.

068445b5b83968673128.jpg
Phân xưởng sản xuất tại Công ty TNHH May Đức Giang áp dụng thực hiện điều chỉnh phụ tải điện DR.

Tận dụng nguồn làm mát tự nhiên

Một trong những tài sản quý giá mà hầu hết các làng ở vùng ngoại thành vẫn còn sở hữu là ao làng, giếng làng. Tuy không còn “sứ mệnh” cung cấp nước sinh hoạt nhưng ao làng được ví như máy điều hòa thiên nhiên có tác dụng làm mát, điều hòa không khí, đặc biệt là vào mùa nắng nóng, giúp hạn chế sử dụng các thiết bị làm mát tiêu tốn điện.

Về thôn Hưng Giáo (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) vào buổi chiều hè mới thấy sự đông vui nhộn nhịp khi rất nhiều người đang bơi dưới hồ bơi mới được cải tạo của làng.

Theo bà Bùi Thị Duyên, Trưởng thôn Hưng Giáo, hồ bơi được khởi công xây dựng từ đầu xuân Quý Mão và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 30-4 vừa qua. Bà Duyên cho biết, mục tiêu ban đầu khi cải tạo ao tù thành hồ bơi là để dạy bơi cho trẻ em và tạo nơi vui chơi, giải nhiệt mùa hè cho nhân dân. Từ khi công tác cải tạo hoàn thành, người dân trong thôn ra hồ hóng mát, bơi lội thường xuyên hơn, từ đó việc sử dụng điều hòa, quạt máy, ti vi trong nhà cũng được hạn chế một phần, giúp tiết kiệm điện.

Tại thôn Đỗ Xá (xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín), hồ bơi trung tâm làng trước kia là ao tù nước đọng, ô nhiễm nên chiều hè không ai ra khu vực này. Từ năm 2020, thôn nạo vét hồ và xây dựng thành hồ bơi, không những cải thiện được cảnh quan môi trường mà còn thu hút đông đảo nhân dân đến nghỉ ngơi, tập thể dục, bơi lội...

Anh Trần Văn Quyết, nhà liền kề với hồ bơi thôn Đỗ Xá, người đã đóng góp 2,2 tỷ đồng cùng thôn xây dựng hồ bơi, chia sẻ: “Buổi chiều từ khoảng 16h, rất đông trẻ em ra đây tập bơi, các cụ già ngồi trên ghế đá và tận hưởng cái mát mẻ tự nhiên thay vì ngồi trong nhà mở quạt máy. Đỗ Xá là làng nghề mộc nên tiêu thụ điện năng rất lớn, việc tiết kiệm điện là rất cần thiết, giúp đảm bảo duy trì việc sản xuất hằng ngày của nhân dân”.

85fe55b2153dc5639c2c.jpg
Hệ thống đèn chiếu sáng công cộng trên địa bàn phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng được bật muộn hơn 30 phút so với thời điểm trước.

Muôn vàn cách làm sáng tạo

Thời gian gần đây, tại các huyện, thị xã ngoại thành Hà Nội xuất hiện nhiều mô hình tiết kiệm điện được người dân hưởng ứng. Tại xã Ninh Sở (huyện Thường Tín), thật khó bắt gặp gia đình nào còn sử dụng bóng đèn sợi đốt, đèn tuýp T10, chấn lưu sắt từ vì hầu hết các hộ gia đình ở đây chủ yếu sử dụng đèn tuýp T8, đèn compact, đèn pin mặt trời, đèn LED... để tiết kiệm năng lượng.

Sở dĩ có được kết quả trên là nhờ dự án “Xây dựng mô hình trình diễn sử dụng hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng công cộng và hộ gia đình tại vùng ven đô” được triển khai từ năm 2011, do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện.

Ngay sau khi áp dụng mô hình, lượng điện tiêu thụ tại các xóm đều giảm trung bình từ 40 - 50%. Những nơi công cộng như trường học, trạm xá, nhà thờ, trụ sở UBND xã, khu vui chơi, đường làng đều sử dụng các loại đèn tiết kiệm điện như đèn compact. Một vài cơ sở còn sử dụng dàn pin mặt trời, không những giúp tiết kiệm điện, còn giúp đảm bảo duy trì điện tại trạm xá trực cấp cứu và xử lý các công việc quan trọng khi mất điện.

Dự án được triển khai đã lâu nhưng đến nay vẫn duy trì và phát huy tác dụng tiết kiệm điện hiệu quả. Khi đó, GEF tài trợ 80% kinh phí, vốn đối ứng của xã là 20%, tổng kinh phí thực hiện dự án là hơn 1 tỷ đồng. GEF còn cử chuyên gia về kỹ thuật chiếu sáng và xử lý môi trường đến thuyết trình, hướng dẫn nhân dân thay thế các thiết bị điện tiêu hao điện năng sang thiết bị điện tiết kiệm, đồng thời hướng dẫn bảo dưỡng, vệ sinh thiết bị điện và cách sử dụng điện để tránh lãng phí. Đây là một trong những mô hình tiết kiệm điện hiệu quả trên địa bàn Thủ đô.

4f7130d9e255320b6b44.jpg
Từ ngày hồ bơi được cải tạo, người dân trong thôn Đỗ Xá thường ra hồ hóng mát, bơi lội, việc sử dụng điều hòa, quạt máy, tivi trong nhà cũng hạn chế dần.

Về phía các doanh nghiệp, những năm gần đây, một số doanh nghiệp đã áp dụng phương pháp điều chỉnh phụ tải điện (DR). Tại Công ty TNHH May Đức Giang (Long Biên), khi chưa áp dụng DR, Công ty sử dụng hơn 5.000 máy may công nghiệp, hàng ngàn bóng đèn chiếu sáng, quạt thông gió nên phải chi trả khoảng 550 - 600 triệu đồng tiền điện/tháng. Tới khi áp dụng phương pháp DR, lượng điện tiêu thụ đã giảm hẳn. Trưởng phòng Cơ điện của Công ty, ông Lê Minh Tuấn cho biết, từ khi tham gia chương trình DR, Công ty đã giảm được khoảng 20 - 30% tiền điện hằng tháng. Cũng nhờ tiết kiệm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm giảm theo, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, chúng tôi còn được EVNHANOI hỗ trợ trong việc xử lý các sự cố điện, kiểm tra, vệ sinh trạm biến áp, bảo dưỡng hệ thống điện và tư vấn các giải pháp chống tổn thất...

Được biết, để tiết kiệm điện chiếu sáng công cộng, từ ngày 17-5, Công ty Chiếu sáng đô thị Hà Nội (Hapulico) đã vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội theo chế độ tiết kiệm điện, dựa trên cơ sở cân đối chiếu sáng phục vụ giao thông và đảm bảo an ninh trật tự.

Theo đó, Hapulico bật đèn muộn hơn 30 phút và tắt đèn sớm hơn 30 phút so với trước. Đối với đèn chiếu sáng tại đường phố, ngõ xóm, khu vực ngoại thành Công ty triển khai cắt giảm 1/3 số đèn. Đến 23h sẽ tiếp tục giảm thêm 1/3 số đèn. Đối với các tuyến có 4 làn đèn thì thực hiện giảm 50% số đèn ngay từ đầu giờ vận hành; tại các công viên, vườn hoa, đơn vị vận hành không quá 50% số đèn và tắt hoàn toàn sau 23h.

Tại quận Hà Đông, Công ty Điện lực Hà Đông đã gửi khách hàng sản xuất trên địa bàn quận đề nghị không sản xuất vào khung giờ cao điểm (từ 19 - 24h hằng ngày). Đồng thời, công ty đã ký thỏa thuận doanh nghiệp đồng hành trong mùa nắng nóng 2023 với 123 khách hàng; ký thỏa thuận phi thương mại điều chỉnh phụ tải điện DR với 35 khách hàng có mức tiêu thụ điện năng lớn...

Ngoài ra, để hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất, một số quận, huyện không chỉ tăng cường tuyên truyền tới nhân dân mà còn cụ thể hóa bằng những văn bản, tổ chức phong trào tiết kiệm điện sôi nổi. Ngày 22-3, UBND huyện Thường Tín đã ban hành văn bản số 166/UBND-KT về việc triển khai các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023.

Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thư Phú (huyện Thường Tín), anh Văn Đình Tưởng cho biết: Hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023, Đoàn Thanh niên xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tắt các thiết bị điện không cần thiết từ 20h30 - 21h30 ngày 25-3-2023. Đồng thời, Đoàn Thanh niên thường xuyên phát động chiến dịch trồng cây xanh để tạo thêm những khoảng xanh nhằm giảm nhiệt trong mùa hè, từ đó hạn chế một phần việc sử dụng điều hòa và các thiết bị làm mát vốn tiêu tốn điện năng.