Đời sống

Ðể có các khóa tu mùa hè an toàn, hiệu quả

BẢO CHÂU 20/07/2023 09:52

Những năm gần đây, vào dịp hè, nhiều chùa lại tổ chức các khóa tu để thanh niên, thiếu niên học tập và trải nghiệm đạo làm người, lối sống có ích. Tuy nhiên, ở một số nơi, do chưa được kiểm soát tốt, khóa tu mùa hè cho thấy sự hạn chế, thậm chí gây nên sự ồn ào không đáng có.

khoa-tu.jpg
Khóa tu mùa hè trở nên “hot” trong vài năm trở lại đây. Ảnh: Diệu Mi

Chưa có sự phối hợp chặt chẽ

Sư thầy Thích Tịnh Giác, trụ trì chùa Phúc Sơn (thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm) khẳng định, các khóa tu mùa hè được nhà chùa triển khai với ý nghĩa tạo môi trường giúp các em nhỏ trau dồi kỹ năng sống, giao lưu, gặp gỡ những người bạn thiện lành, và đặc biệt là tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản thân. Đó cũng là nơi để các em tìm lại sự tĩnh tâm trong tâm hồn sau những tháng ngày học tập căng thẳng.

Tuy nhiên, sự việc xảy ra ở chùa Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội) vừa qua là hết sức đáng tiếc. “Nhà chùa luôn muốn đóng góp cho xã hội nhiều hơn, tuy nhiên, sự việc vừa qua cho thấy công tác quản lý các khóa tu mùa hè cho trẻ em còn khá lỏng lẻo. Kinh nghiệm cho thấy, không nên tổ chức khóa tu đông quá mức cho phép. Hơn nữa, nhà chùa, mà trực tiếp là vị trụ trì của chùa phải quản lý mọi hoạt động của khóa tu, chứ không thể ủy thác cho các tình nguyện viên. Nếu tổ chức với quy mô nhỏ hơn và có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa nhà chùa, phụ huynh và chính quyền địa phương thì khóa tu sẽ diễn ra suôn sẻ” - thầy Thích Tịnh Giác nhấn mạnh.

Đồng quan điểm đó, sư thầy Thích Minh Chính, Phó Trụ trì chùa Yên Phú (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì) cho rằng, trong các hoạt động Phật sự tại chùa thì việc tổ chức khóa tu không quan trọng bằng lễ Phật đản, Vu lan..., trong khi hoạt động này rất mất công ở khâu chuẩn bị cơ sở vật chất, nội dung khóa tu...

“Tại chùa Cự Đà, hầu hết các dãy nhà ngang đều xây theo kiểu nhà cấp 4, cột kèo nhiều, bình thường chỉ có trên dưới 10 người sinh sống, nay tăng đột biến lên 60 lần (600 em) nên cơ sở vật chất không đáp ứng được là điều đương nhiên. Tôi nghĩ, tổ chức khóa tu cho 600 em thì phải vận động được 200 tình nguyện viên, như thế mới bảo đảm cho các em được chăm lo chu đáo, an toàn” - thầy Thích Minh Chính chia sẻ.

Không phó thác cho nhà chùa

Đề cập đến vai trò của phụ huynh trong khóa tu, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, hiện nay, nhiều phụ huynh không phân biệt được sự khác biệt giữa hoạt động vui chơi bình thường và hoạt động giáo dục kỹ năng, phẩm chất thông qua hoạt động vui chơi. Nên nhớ rằng, cho trẻ đến một khu trải nghiệm và chơi tự do sẽ chẳng bao giờ giúp trẻ hình thành kỹ năng được. Yêu cầu trẻ dậy sớm, tự gấp chăn màn, tự chăm sóc bản thân và vệ sinh cá nhân... trong một vài ngày trải nghiệm không thể giúp trẻ hình thành phẩm chất, thói quen tự giác, đó chỉ là hành vi tự phát do bị bắt buộc.

Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, để hoạt động trải nghiệm trong các khóa tu mùa hè trở thành hoạt động giáo dục thực sự có ý nghĩa, góp phần hình thành năng lực, phẩm chất ở trẻ em thì cha mẹ không thể không quan tâm đến các yếu tố đảm bảo chất lượng, như nội dung chương trình, lịch sinh hoạt, nơi sinh hoạt, học tập của các con, ban tổ chức các hoạt động đó có kinh nghiệm hay không... Đặc biệt, điều rất quan trọng là phải quan tâm đến các khía cạnh đảm bảo an toàn, sự phù hợp giữa nội dung học tập và độ tuổi, tâm lý của các em.

Ông Nguyễn Thành Nam lưu ý thêm, điều mà phụ huynh học sinh cần quan tâm là uy tín của đơn vị tổ chức chương trình, điều kiện liên lạc, giám sát, thậm chí số lượng người tham gia cũng phải được xác định để đảm bảo an toàn. Tất cả phải được thông tin rõ ràng và đầy đủ, phải có cuộc họp phụ huynh để thống nhất về hình thức liên lạc, công tác chuẩn bị phải chu đáo, giới thiệu cho trẻ một số kỹ năng tự lập cần thiết trước khi tham gia” - PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Ông Đặng Anh Phương, Chủ tịch UBND xã Cự Khê cho rằng, sự việc xảy ra ở chùa Cự Đà vừa qua là bài học mà chính quyền địa phương phải rút kinh nghiệm sâu sắc. “Trước khi tổ chức khóa tu, chùa Cự Đà đã xin phép chính quyền địa phương. Trong quá trình tổ chức khóa tu, bên cạnh những yếu tố khách quan mà ban tổ chức đã chuẩn bị rất kỹ nhưng không lường trước được, như mất điện, mất nước... thì còn có nguyên nhân chủ quan, sự tắc trách của ban tổ chức. Kinh nghiệm cho thấy, ở những khóa tu sau (nếu có), nhà chùa phải có sự chuẩn bị kỹ càng hơn, có kế hoạch chi tiết, cụ thể và phải tính toán cả những phương án cho tình huống xấu có thể xảy ra” - ông Đặng Anh Phương nhấn mạnh.

Qua vụ việc xảy ra ở chùa Cự Đà, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề nghị tăng cường sự quản lý, giám sát của địa phương cũng như nhà chùa khi tổ chức khóa tu mùa hè. Theo Đại đức Thích Nguyên Chính, Phó Chánh Văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ban tổ chức khóa tu ở các chùa tại Hà Nội phải gửi chương trình, thời gian tổ chức khóa tu cho các cấp chính quyền địa phương, đồng thời phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên các cấp trong việc tổ chức, hướng dẫn cho các em để có một khóa học an toàn, hiệu quả.

Chia sẻ thêm về điều này, sư thầy Thích Tịnh Giác cho rằng: “Chúng ta không thể thấy sự ồn ào sau một khóa tu mà dừng lại hoạt động hết sức có ý nghĩa này. Vấn đề là phải tăng cường kiểm tra, giám sát để khóa tu diễn ra một cách trơn tru, bảo đảm an toàn cho trẻ em. Thời gian vừa qua, người ta bàn tán rất nhiều về các khóa tu với những lập luận trái chiều, đôi khi là bóp méo, xuyên tạc, chúng tôi rất đau lòng. Rất mong xã hội có cái nhìn công tâm, khách quan khi đưa ra bất cứ bình luận nào”.