Hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản
Thời gian qua, Hà Nội đã tập trung xây dựng các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đồng thời gắn kết người nông dân với doanh nghiệp, chuyển hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường; qua đó, ổn định giá các mặt hàng nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và kiểm soát an toàn thực phẩm.
Ổn định về sản lượng và tiêu thụ
Xây dựng thành công chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao Khu Cháy, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa) Cao Thị Thủy cho biết, đơn vị đã liên kết với các hợp tác xã trong và ngoài huyện để canh tác gần 300ha lúa Japonica; đồng thời, liên kết với Công ty TNHH Châu Anh xây dựng, vận hành gần 20 cửa hàng bán lẻ lúa gạo tại Hà Nội và các tỉnh: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... Trung bình mỗi vụ, hợp tác xã tiêu thụ 3.000 tấn thóc và 1.000 tấn gạo Japonica cho nông dân trên địa bàn Ứng Hòa với giá thành ổn định.
Cũng về vấn đề này, theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) Nguyễn Văn Hào, với tổng diện tích 33ha, các hộ nông dân trên địa bàn xã tập trung sản xuất theo hướng VietGAP và được cấp nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý. Để đẩy mạnh tiêu thụ, hợp tác xã đã ký kết với 10 doanh nghiệp bao tiêu sản lượng đạt khoảng 50% tổng sản lượng của toàn hợp tác xã. Ngoài ra, hợp tác xã cũng ký hợp đồng cung ứng rau cho chuỗi siêu thị Winmart, Big C và các cửa hàng rau sạch. Trung bình một ngày, hợp tác xã tiêu thụ khoảng 15-20 tấn rau, với giá bán từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg. Nhờ sản xuất theo chuỗi liên kết, đầu ra cho sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã không những ổn định, mà giá cao hơn 10% so với sản xuất theo hướng truyền thống.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho rằng, việc xây dựng chuỗi cung ứng và tiêu thụ nông sản có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, trên địa bàn thành phố duy trì và phát triển 159 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Các chuỗi đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Hơn nữa, liên kết sản xuất theo chuỗi góp phần ổn định sản lượng, thích ứng với các diễn biến nhu cầu thị trường, giảm tình trạng cung vượt cầu, hạn chế tổn thất cho nông dân… Đặc biệt là giúp hỗ trợ các đơn vị sản xuất quảng bá thương hiệu sản phẩm đến người tiêu dùng và các nhà phân phối lựa chọn sản phẩm có chất lượng, ưu thế cạnh tranh nông sản trên thị trường…
Bên cạnh đó, các chuỗi liên kết sản xuất tạo điều kiện cho các ngành chức năng trong kiểm soát nguồn gốc nông sản trên thị trường. Thông qua chuỗi liên kết, các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua các kênh phân phối hiện đại, siêu thị, như: Central Group, Aeon, Lotte…, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp Thủ đô.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Hiện tại, quá trình xây dựng và phát triển chuỗi liên kết nông sản còn khó khăn, do các chuỗi này có quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là liên kết theo hình thức "thuận mua, vừa bán" giữa các chủ thể sản xuất với doanh nghiệp và thương lái tiêu thụ sản phẩm; giá cả thiếu ổn định, dễ xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng liên kết. Sự phát triển không đều giữa các chuỗi giá trị, quy hoạch vùng sản xuất còn lỏng lẻo, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...
Để các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm phát huy hiệu quả và mang lại giá trị gia tăng cao, Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) Đặng Đình Tiên cho biết, các ngành chức năng cần tạo điều kiện cho các hợp tác xã vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất; tham gia hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp… Thời gian tới, công ty sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động về tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện sản xuất an toàn để đáp ứng tiêu chí về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm trứng gia cầm trên thị trường.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, có 100% chủ thể tham gia liên kết chuỗi được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ; 100% chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR. Theo đó, Hà Nội tiếp tục rà soát quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh, tập trung; đồng thời, đẩy mạnh việc đăng ký và quản lý mã số vùng sản xuất để bảo đảm tiêu chí xuất khẩu. Hà Nội cũng sẽ ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất, sơ chế, đóng gói, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhằm tăng giá trị cho sản phẩm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Sở tập trung rà soát các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhằm định hướng xây dựng chuỗi liên kết, đáp ứng yêu cầu mới. Cùng với đó, tham mưu cho thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, kho tàng, nhà xưởng chế biến, nhằm hoàn thiện chuỗi liên kết; mở các lớp tập huấn cho chủ thể tham gia liên kết chuỗi nâng cao nghiệp vụ; đồng thời, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc, sử dụng mã QR để minh bạch thông tin sản phẩm trên thị trường. Các địa phương cần hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn xây dựng chuỗi, đào tạo, tập huấn kiến thức cho hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, kiến thức và kỹ năng thị trường, quy trình kỹ thuật sản xuất, tổ chức sản xuất, giám sát, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm...