Lắp đặt biển báo thông minh: Góp phần hạn chế ùn tắc giao thông
Mô hình biển báo thông minh cảnh báo ùn tắc tại đường Vành đai 2 trên cao và cảnh báo các phương tiện quá giới hạn chiều cao khi lưu thông qua cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc trên địa bàn thành phố Hà Nội đã cho thấy những kết quả tích cực, góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.
Kịp thời cảnh báo theo thời gian thực
Với mục đích chính nhằm cảnh báo lái xe về trạng thái giao thông ở nút giao thông Ngã Tư Sở, từ ngày 13-1-2023, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan đã thử nghiệm lắp đặt biển báo giao thông có thông tin thay đổi (VMS) tại 2 vị trí. Thứ nhất là tại đầu nhánh dẫn lên đường Vành đai 2 trên cao theo hướng từ Ngã Tư Vọng đi Ngã Tư Sở. Thứ hai là trên đường Vành đai 2 trên cao, cách nhánh dẫn xuống Ngã Tư Vọng 300m theo hướng từ cầu Vĩnh Tuy đi Ngã Tư Sở. Cùng với đó, lắp đặt camera quan sát giao thông ở nút giao Ngã Tư Sở để cung cấp thông tin theo thời gian thực về tình trạng giao thông.
Từ thông tin camera ghi nhận theo thời gian thực, màn hình VMS (khổ 1,6 x 1,4m) sẽ liên tục xuất hiện các thông tin, như: “Ngã Tư Sở ùn cục bộ, chú ý chuyển hướng”, “Ngã Tư Sở ổn định”... cùng các hình ảnh tương ứng được cập nhật trực quan theo chu kỳ 6 giây, giúp người lái xe chọn hướng đi phù hợp. Thông tin được cung cấp dựa vào tốc độ trung bình của dòng giao thông.
Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, trong thời gian thí điểm (từ ngày 13-1 đến 1-6-2023), các đơn vị liên quan đã lấy 105 phiếu điều tra từ những người lái xe đối với hệ thống thử nghiệm này. Kết quả cho thấy, có 38,1% người lái dự kiến đổi hành trình khi có cảnh báo trước về tình trạng ùn tắc giao thông ở nút giao Ngã Tư Sở.
“Nhà tôi ở Khu đô thị Times City, cơ quan ở đường Láng, đi đường Vành đai 2 trên cao rất thuận tiện nếu không ùn tắc, nhưng sẽ rất khó khăn nếu các dòng ô tô “dồn toa” ngay tại lối xuống đầu nút giao Ngã Tư Sở. Biển cảnh báo giao thông theo thời gian thực này thực sự phát huy hiệu quả, giúp cảnh báo người lái biết tình trạng ùn tắc để tìm hướng đi khác”, anh Vũ Quang (ở tòa nhà T5 - Khu đô thị Times City, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ.
Tuy nhiên, ở giai đoạn cuối tháng 5-2023, biển báo thông minh tại đây không hoạt động. Giải thích nguyên nhân, ông Trần Hữu Bảo thông tin, do nguồn điện cung cấp cho hệ thống tạm thời trong thời gian thí điểm nên bị gián đoạn. Trước hiệu quả bước đầu, vừa qua, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội cho phép được tiếp nhận hệ thống VMS để đưa vào quản lý, bảo trì và tiếp tục áp dụng trên các tuyến đường khác bằng nguồn vốn quản lý, bảo trì đường bộ để bảo đảm an toàn và hạn chế ùn tắc giao thông. Khi đó, nguồn điện cung cấp cho hệ thống sẽ bảo đảm ổn định, không bị gián đoạn.
Hạn chế tối đa xe quá khổ gây hư hại cầu vượt
Từ ngày 1-12-2022 đến 1-6-2023, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cũng thí điểm hệ thống cảnh báo các phương tiện quá giới hạn chiều cao qua cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc.
Các biển báo điện tử được lắp đặt ngay phía lối lên, xuống ở cả 2 đầu cầu vượt, có khả năng phân loại phương tiện (xe tải, xe con, xe máy…); nhận diện biển số phương tiện để cảnh báo khổ giới hạn lưu thông qua cầu đối với các phương tiện vượt quá chiều cao quy định của khung hạn chế chiều cao cầu vượt. Nếu phương tiện vi phạm, hệ thống trực tiếp đưa ra cảnh báo bằng việc phát hình ảnh biển kiểm soát xe lên các biển điện tử.
Theo các chuyên gia giao thông, với mục đích cảnh báo các phương tiện vượt qua chiều cao của khung giới hạn nên hệ thống có thể lắp đặt tại các khu vực dễ bị các phương tiện va chạm như dầm cầu vượt, trạm thu phí… Đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) cho biết, cây cầu vượt này trước đây đã nhiều lần bị xe khách, xe tải có chiều cao vượt quá quy định… cố tình di chuyển lên cầu, làm sập khung hạn chế, gây ùn tắc và mất an toàn giao thông. Từ ngày lắp biển cảnh báo, vi phạm đã giảm nhiều.
Qua đánh giá của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, trong thời gian thí điểm biển báo điện tử, hệ thống đã hoạt động ổn định và giảm được số vụ va chạm vào khung hạn chế chiều cao. Qua thống kê, tổng số phương tiện qua cầu theo cả hai chiều là hơn 13,4 triệu phương tiện. Số lượng phương tiện được phát hiện và cảnh báo trước khi lên cầu là 125.263 phương tiện. Trong số này chỉ có duy nhất 1 phương tiện đã được phát hiện và cảnh báo nhưng vẫn cố tình vi phạm.
“Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như vị trí lắp đặt camera đang tận dụng tại khung hạn chế chiều cao của cầu, phạm vi cảnh báo là 15m, vì vậy, phản ứng của người lái xe đối với cảnh báo hơi gấp; phần mềm nhận biết vẫn còn cảnh báo một số phương tiện có chiều cao thấp hơn khung (như xe khách 16 chỗ với chiều cao 2,2m). Chúng tôi đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội tiếp tục thí điểm đến hết năm 2023 để khắc phục các tồn tại về phần mềm, sau đó tiếp tục đánh giá và báo cáo thành phố để xin ý kiến chỉ đạo”, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo nói.
Theo các chuyên gia giao thông, mô hình biển báo thông minh đã được áp dụng tại nhiều đô thị lớn trên thế giới và hoàn toàn phù hợp với thành phố Hà Nội. Với hiệu quả đạt được, thành phố nên nghiên cứu nhân rộng, cùng với các phương thức ứng dụng công nghệ khác, góp phần hình thành hệ thống giao thông thông minh cho Thủ đô.