Xã hội

Để Hà Nội phát triển xứng tầm

Hà Phong 20/07/2023 - 06:24

Trong tiến trình 15 năm Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII về “Điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, Luật Thủ đô năm 2012 đã phát huy tính hiệu quả, giúp thành phố không ngừng phát triển, vươn cao và đạt những thành tựu to lớn.

Tuy nhiên, với tốc độ và triển vọng phát triển của Thủ đô như hiện nay, đòi hỏi một cơ sở pháp lý cao hơn để Hà Nội có thể phát triển xứng tầm một thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trong thời kỳ hội nhập.

botuphap.jpg
Quang cảnh cuộc họp lần thứ hai của Ban soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) do Bộ Tư pháp tổ chức, tháng 7-2023.

Tạo hành lang pháp lý cho quản lý và phát triển

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn thông tin: Ngay sau khi Luật Thủ đô năm 2012 được Quốc hội thông qua, Thành ủy và UBND thành phố đã ban hành các chương trình, kế hoạch văn bản để triển khai đồng bộ, rộng khắp và đạt được những kết quả toàn diện.

Nổi bật là, những quy định liên quan đến các biện pháp bảo đảm quy hoạch, quản lý đất đai, không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị đã được triển khai thực hiện; quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được cụ thể hóa. Chất lượng các đồ án quy hoạch, quy chế, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy hoạch nông thôn mới được nâng cao, phủ kín toàn bộ diện tích rộng lớn của Thủ đô. Từ đó, tạo hành lang pháp lý cho quản lý và phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Đặc biệt, các cơ chế đặc thù quy định trong luật đã tạo những tác động tích cực nhất định, góp phần giúp Hà Nội huy động được nguồn lực to lớn, tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội. Hà Nội đã có sự thay đổi vượt bậc về diện mạo đô thị hóa, nhất là phía Bắc sông Hồng như quận Long Biên, huyện Gia Lâm với hàng loạt khu đô thị lớn cao cấp có diện tích hàng trăm héc ta. Không những thế, nhiều dự án nhà ở xã hội đã được xây dựng trên địa bàn Hà Nội, giúp người dân thu nhập thấp có cơ hội được sở hữu căn hộ giá rẻ đầy đủ tiện ích, dịch vụ bảo đảm chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn phát triển chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng, thế mạnh vốn có của Thủ đô. Nhiều bất cập trong quy hoạch quản lý không gian, không gian ngầm, công trình kiến trúc cổ, bảo tồn và phát triển văn hóa và quy hoạch xây dựng nhà ở, khu đô thị. Đặc biệt, vẫn còn thiếu chính sách đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ… Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do việc thực thi chính sách, pháp luật chưa đồng bộ, kịp thời, đầy đủ, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô - trái tim của cả nước. Một số quy định của Luật Thủ đô chủ yếu mang tính nguyên tắc, định hướng chung, thiếu những cơ chế đặc thù quy định cụ thể để thực hiện.

Đưa cuộc sống vào luật

Với phương châm “đưa cuộc sống vào luật”, Bộ Tư pháp cho rằng, Hà Nội rất cần 1 văn bản quy phạm có thể giải quyết những “điểm mắc” mà Luật Thủ đô hiện hành không đủ sức giải quyết. Văn bản này cho phép Hà Nội có được một số quy định “đặc thù”, được quyết định những vấn đề mà pháp luật chưa quy định. Trong đó, mấu chốt là phân cấp, giao quyền mạnh hơn cho Thủ đô, nhưng phải có cơ chế tương ứng để Thủ đô thực hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng - Phó trưởng Ban Soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho biết, nội dung dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa thành các cơ chế, chính sách cụ thể, mang tính đặc thù vượt trội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô của cả nước. Các điều khoản của dự thảo luật được xây dựng để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, chính xác nhất đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết khác của Đảng có liên quan.

Ngày 9-6-2023, Bộ Tư pháp đã đăng tải hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bộ đã chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức 15 cuộc họp với đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ, các sở, ngành của thành phố Hà Nội và đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp để góp ý trực tiếp vào từng nội dung, quy định cụ thể của dự thảo luật. Đồng thời, tổ chức 3 hội thảo tham vấn các nhà đầu tư, doanh nghiệp về các quy định đầu tư, kinh doanh, biện pháp thu hút đầu tư trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế; bảo vệ, phát triển văn hóa của Thủ đô; cơ chế khai thác hiệu quả tài sản công. Gần đây nhất, ngày 13-7-2023, Bộ Tư pháp có công văn gửi lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng Thủ đô.

Dự thảo luật mới nhất gồm 6 chương, 59 điều (tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012), cho phép huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô; phát triển các đô thị vệ tinh, giảm tải cho các đô thị lớn. Theo hướng đi này, sẽ khuyến khích phát triển hệ thống giao thông công cộng thay vì sử dụng phương tiện cá nhân. Đồng thời, dự thảo mở ra cơ hội thu hút người tài, không giới hạn ở công dân Việt Nam mà cả người nước ngoài; có chế độ đãi ngộ tương xứng (được hưởng các ưu đãi về tuyển dụng, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo; được ký hợp đồng làm việc hoặc được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành với chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp); giúp tổ chức bộ máy chính quyền thành phố thêm năng động, hiệu quả, phù hợp đặc thù, chủ động, phát huy hết tiềm năng thúc đẩy được kinh tế - xã hội của Thủ đô phát triển.

Để bảo đảm hiệu lực và sự ổn định các quy định của Luật Thủ đô trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật Thủ đô với các luật, nghị quyết khác của Quốc hội, dự thảo luật thiết kế Điều 4 quy định về áp dụng Luật Thủ đô. Theo đó, trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô.
Với vấn đề phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, dự thảo cho phép HĐND thành phố Hà Nội quyết định việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế để phát triển mô hình khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, chi trả dịch vụ cấp cứu ngoại viện, khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho người cao tuổi trên địa bàn Thủ đô. Ban soạn thảo cũng quy định một số nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nhằm tạo sự linh hoạt trong việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất cũng như bảo đảm lợi ích quốc gia, công cộng và lợi ích hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi trên địa bàn Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, dự án luật này không phải là thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành để áp dụng riêng cho Thủ đô; mà cần nghiên cứu để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội ngay trong luật để có thể áp dụng được ngay, không cần chờ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô năm 2012; rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà phù hợp với Thủ đô để đưa vào dự thảo luật, tạo bệ phóng cho Thủ đô Hà Nội chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm; đồng thời, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.