Công khai, minh bạch chính sách học phí
Theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, từ năm học 2022-2023 trở đi, học phí phổ thông, đại học có thể tăng dần dựa trên chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm.
Tăng học phí là một trong những điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục, bởi nguồn thu từ học phí hiện được chia thành 2 phần: 40% dùng để tạo nguồn cải cách tiền lương; 60% còn lại các trường có thể sử dụng cho hoạt động dạy học theo chủ đề, dạy thêm, hướng dẫn việc làm, giáo dục địa phương...
Việc tăng học phí là cần thiết. Tuy nhiên, câu hỏi trước thềm năm học mới “đến hẹn” lại được đặt ra đó là: Tăng học phí có gắn liền với tăng chất lượng đào tạo? Tăng chi phí cho đội ngũ giảng viên và cán bộ phục vụ, vậy đội ngũ giảng viên được bảo đảm về tiêu chuẩn ra sao? Cán bộ phục vụ làm việc như thế nào? Ngoài ra, việc tăng học phí cần cân nhắc một số yếu tố bởi nếu mức học phí cao sẽ gây cản trở mức độ tiếp cận giáo dục đại học của nhóm thí sinh có điều kiện kinh tế hạn chế. Điều đó dẫn đến hệ lụy là một số ngành cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững nhưng có học phí cao rất khó tuyển sinh…
Để bảo đảm người dân được tiếp cận dịch vụ giáo dục tốt nhất có thể, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực của việc tăng học phí, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương… về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Phó Thủ tướng chỉ đạo quá trình xây dựng chính sách học phí mới phải được nghiên cứu toàn diện, đánh giá tác động đầy đủ, lấy ý kiến nhân dân, đồng thời phù hợp các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo. Chính sách học phí vừa phải công khai, minh bạch, đồng thời giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Mọi học sinh trong độ tuổi đi học đều được đến trường nhằm thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông.
Trước mắt, khi ban hành mức học phí cho năm học mới, các địa phương, các trường đại học cần bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, Chính phủ về vai trò chủ đạo của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Đẩy mạnh xã hội hóa ở những lĩnh vực, địa bàn có điều kiện, dành nguồn lực để đầu tư cho giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn; không cào bằng, cân bằng giữa tự chủ, xã hội hóa với bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục cho đối tượng khó khăn, yếu thế.
Tăng học phí đi liền với tăng chất lượng đào tạo là đòi hỏi chính đáng của người học. Các trường cần phải có lộ trình tăng, đi kèm với công bố, giải trình tăng chất lượng đào tạo rõ ràng cho người học biết; cam kết chuẩn đầu ra rõ ràng, từ đó giúp người học cảm thấy hài lòng và sẵn sàng đầu tư chi phí cho việc học.
Về lâu dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục nghiên cứu chính sách học phí toàn diện, bài bản, bảo đảm mục tiêu thực hiện xã hội hóa cũng như phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Các cơ sở giáo dục, đào tạo đóng góp trí tuệ, cùng với Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá toàn diện, tổng thể để chính sách học phí mới thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Và quan trọng nhất là để mọi người dân dễ dàng tiếp cận giáo dục, nâng chất lượng giáo dục Việt Nam ngang tầm quốc tế, có khả năng cạnh tranh, đồng thời thu hút được nhân tài phục vụ cho phát triển bền vững của đất nước.